Chỗ ở cho du học sinh khan hiếm và đắt đỏ
Ngày càng nhiều tờ báo châu Âu đề cập đến chủ đề chi phí thuê chỗ ở cho sinh viên đại học, khi thời điểm năm học mới đã bắt đầu.
Tờ La Croix (Pháp) mới đây ngay trên trang nhất có bài viết nổi bật cho biết trong năm học này cả nước Pháp cần thêm tới 280.000 chỗ cho sinh viên. Tờ báo tính rằng tiền thuê chỗ ở chiếm hơn 45% tổng chi phí của sinh viên, trong đó ở các tỉnh là 520 Euro/tháng, ở Paris và vùng phụ cận 688 Euro (khoảng 19 triệu đồng tiền nhà ở mỗi tháng).
Tương tự, tờ Tin tức (Đức) lấy ví dụ cụ thể tại một trường đại học ứng dụng phía Tây nước này: 20 Euro/m² chưa tính chi phí sưởi, nếu ở 5 người trong một căn nhà dùng chung phòng tắm. Còn nếu tính cả chi phí sưởi ấm, điện nước và dịch vụ tối thiểu khác, giá sẽ là 475 Euro, khoảng 31,50 Euro/tháng/m² (khoảng 850.000 đồng/tháng/m²).
Trong khi đó, tờ Thư tín hàng ngày Ireland cho biết: Sinh viên phải trả tiền thuê nhà lên tới 10.000 Euro (270 triệu đồng) cho một năm học kéo dài 9 tháng. Tình hình trầm trọng đến mức nhiều sinh viên phải thuê nhà ở rất xa trường, mỗi ngày mất 4 tiếng di chuyển từ nhà tới trường và ngược lại, nêúmuốn thuê được nhà ở với giá phải chăng.
Tại Anh, giá thuê nhà của sinh viên có vẻ rẻ hơn so với các nước Liên minh châu Âu (EU); khi mà nếu hai sinh viên may mắn thuê chung được một căn nhà ở ngoại ô xa trường thì sẽ “cưa đôi” khoản thuê gần 25 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nhiều người buộc phải thuê nhà cách trường rất xa. Chẳng hạn sinh viên Đại học Bristol phải thuê ở Newport cách 50 km, hay sinh viên Đại học Manchester phải ở Liverpool cách 56 km.
Tại Canada tình hình giá thuê chỗ ở rất đắt đỏ cũng khiến cuộc sống của du học sinh khó khăn hơn. Theo trang ICEF Monitor, 53% số du học sinh đã phải chọn các phòng trọ, nhà cho thuê của tư nhân vì tình trạng khan hiếm phòng trong ký túc xá và nhà ở cho sinh viên. Đã vậy, đài CBS còn cảnh báo rủi ro bị lừa đảo khi du học sinh phải ráo riết tìm nhà. Chiêu thức của các đối tượng khá đa dạng, như yêu cầu đặt cọc mới được xem nhà, buộc đóng phí đăng ký không hoàn lại lên đến 200 USD (tương đương 4,8 triệu đồng) nhưng thực chất không còn chỗ, cho thuê cùng lúc nhiều người hay cung cấp nhà ở có giá "trên trời" nhưng chất lượng kém.
Ông Sean Fraser - Bộ trưởng Nhà ở, cơ sở hạ tầng và cộng đồng Canada cho biết ước tính đến năm 2026, nước này sẽ thiếu hụt 120.000 chỗ ở và nước này dự kiến đón 900.000 sinh viên quốc tế vào cuối năm 2024 càng khiến tình hình thêm căng thẳng. Báo chí Canada cũng cho biết, hiện nay thời gian tìm kiếm chỗ ở thường kéo dài 3 tháng. Chi phí trung bình được đưa ra là 600 USD/tháng (tương đương 14,6 triệu đồng), thậm chí đến 700 USD (17 triệu đồng) dù phải ở ghép nhiều người trong căn hộ có 1 phòng ngủ.
Nhìn chung tại EU và Bắc Mỹ, giá căn hộ hai phòng ngủ đã tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 2.095 USD/tháng (tương tương 51 triệu đồng).