Chợ Ninh Hiệp thích ứng với xu hướng tiêu dùng hiện đại
Các tiểu thương Ninh Hiệp cũng đang từng bước thích nghi và chuyển đổi mô hình kinh doanh, đẩy mạnh kênh phân phối qua nền tảng số.
Sau những “ồn ào” liên quan đến hoạt động của chợ Ninh Hiệp thời gian qua, khu chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc này đang dần ổn định trở lại. Theo đó, không khí buôn bán có phần trầm lắng hơn trước. Tuy vậy, nguyên nhân chính không nằm ở những biến động tạm thời, mà xuất phát từ sự thay đổi thói quen tiêu dùng trong kỷ nguyên số: khách hàng đã quen với việc mua hàng qua điện thoại, qua các sàn thương mại điện tử, thay vì trực tiếp đến tận chợ.
Hiện đã có khoảng 70% ki-ốt trong chợ Ninh Hiệp mở cửa hoạt động. Tuy nhiên, hình ảnh tấp nập “chen chân” mua bán ngày nào đã dần trở nên thưa vắng. Ngay cả khu vực cổng chợ – vốn luôn sôi động – nay cũng trở nên yên ả hơn. Các bác tài xe ôm vẫn ngồi túm tụm chờ đơn chở hàng, nhưng phần lớn đơn hàng giờ đây đến từ các cuộc gọi đặt trước của khách quen.
Chị Trần Phương Nhi - Tiểu thương Chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm chia sẻ: “Mấy nay có thông tin chợ đóng cửa, khách cũng cập nhật được thông tin nên họ ít đi hơn. Thứ hai là khách có xu hướng nằm ở nhà lướt điện thoại và mua hàng qua sàn thương mại điện tử nhiều hơn. Nhìn chung, năm nay bán hàng chậm và kém hơn mọi năm rất nhiều, doanh thu bây giờ chỉ được 60% so với năm ngoái”.
Sự thay đổi này không chỉ phản ánh xu hướng thương mại hiện đại mà còn cho thấy người tiêu dùng ngày càng chuộng sự tiện lợi, nhanh chóng của mua sắm online. Trong bối cảnh đó, các tiểu thương Ninh Hiệp đang từng bước thích nghi, chuyển đổi mô hình kinh doanh, đẩy mạnh kênh phân phối qua mạng xã hội và nền tảng số, tập trung kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, hàng Việt chất lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Chuyên gia Kinh tế cho hay: “Xu hướng bây giờ là người ta không cần đi đến nơi nữa, mà có thể thông qua không gian mạng, thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Bây giờ thuê gian hàng đắt, thuê địa điểm bán hàng giá cao thì tôi nghĩ là họ nên chuyển qua tận dụng triệt để thương mại điện tử để bán hàng. Thuê ít đi, chấp nhận bán hàng với mức giá rẻ hơn, biên lợi nhuận mỏng hơn, bán với số lượng nhiều hơn”.
Không ít quốc gia từng bắt đầu bằng mô hình sản xuất nhỏ lẻ, hàng gia công không thương hiệu. Từ đó, họ đã phát triển nên chuỗi cung ứng nội địa mạnh, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo dựng thương hiệu quốc gia – như Hàn Quốc với Samsung, Hyundai, LG...
Chợ Ninh Hiệp – nếu được định hướng đúng, hỗ trợ kịp thời – hoàn toàn có thể trở thành điểm xuất phát của những thương hiệu thời trang Việt. Sự trầm lắng tạm thời hôm nay chính là khoảng lặng cần thiết để thích nghi, chuyển mình trong một chuỗi cung ứng hiện đại và minh bạch hơn.
Không thể phủ nhận, những thay đổi gần đây tại chợ Ninh Hiệp là hệ quả của một mô hình kinh doanh đang dần bộc lộ giới hạn. Nhưng chính trong bối cảnh ấy, một cơ hội mới đang mở ra – cơ hội để các tiểu thương tái cấu trúc hoạt động, bắt nhịp với xu thế tiêu dùng hiện đại, cùng thành phố Hà Nội xây dựng một môi trường kinh doanh văn minh, cạnh tranh lành mạnh.