Chỗ đứng của các chuỗi nhà sách truyền thống

Giữa bối cảnh thương mại điện tử cùng nhiều kênh bán online phát triển mạnh, một số chuỗi nhà sách vật lý như Fahasa, ADC vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Đầu tháng 3, trên mạng xã hội xuất hiện các tài khoản giả mạo, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về Công ty CP Phát hành sách TP.HCM (Fahasa) như tuyển dụng, mua bán thậm chí đóng cửa ngừng hoạt động để tung tin lừa đảo.

Tuy nhiên thực tế, tình hình hoạt động của Fahasa hoàn toàn ngược lại với tin giả này, khi chuỗi nhà sách lớn nhất Việt Nam ghi nhận doanh thu khả quan trong năm 2023 và liên tục mở rộng.

Một chuỗi nhà sách khác cũng hoạt động hiệu quả, đạt nhiều thành tích kinh doanh nổi bật trong năm qua là ADC, khi lần đầu thu hơn 400 tỷ đồng/năm.

Trước sự phát triển, cạnh tranh nhanh chóng của các loại hình thương mại điện tử và vấn nạn sách lậu, sách giả tràn lan, một số chuỗi nhà sách vật lý vẫn cho thấy những tăng trưởng ấn tượng nhờ kế hoạch kinh doanh, phát triển hợp lý. Song song cập nhật các hình thức bán hàng online, các đơn vị này cho biết triển khai các giải pháp linh hoạt, ứng dụng công nghệ vào các nhà sách truyền thống để giữ chân khách hàng.

Các nhà sách truyền thống vẫn đang làm tốt

Tổng giám đốc Fahasa Phạm Nam Thắng cho Tri thức - Znews biết trong giai đoạn dịch Covid-19, hoạt động bán hàng tại chỗ của chuỗi nhà sách gặp khó khăn vì có đến 80% cửa hàng phải ngưng hoạt động trong thời gian giãn cách.

Với kênh bán hàng điện tử xây dựng từ năm 2015, Fahasa đã kịp thời chuyển đổi thích nghi bằng cách lấy nguồn hàng tại các cửa hàng để cung ứng cho dịch vụ bán trực tuyến. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến nhu cầu với dòng sách thiếu nhi tăng vọt, từ tâm lý của các phụ huynh mong muốn cung cấp cho con em nguồn tài liệu học tập - giải trí bên ngoài những màn hình điện tử, thiết bị công nghệ.

Sau dịch, chuỗi nhà sách Fahasa đã dần khôi phục hoạt động và ghi nhận tăng trưởng doanh thu, cũng như có kế hoạch mở rộng.

 Chuỗi nhà sách Fahasa vẫn thu hút đông đảo khách hàng. Ảnh: Fanpage Fahasa.

Chuỗi nhà sách Fahasa vẫn thu hút đông đảo khách hàng. Ảnh: Fanpage Fahasa.

Theo báo cáo tài chính năm 2023, toàn hệ thống nhà sách của Fahasa đã thu về gần 4.000 tỷ đồng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế gần 70 tỷ đồng. So với năm liền trước, mức lợi nhuận ròng công ty này thu về năm qua đã tăng hơn gấp rưỡi.

Để đạt được kết quả đó, Fahasa cho biết đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng hệ thống nhà sách với hình ảnh mới hiện đại, trẻ trung, sinh động, phát huy tối đa thế mạnh về hàng hóa phong phú.

Công ty này cũng đã tổ chức nhiều chương trình kinh doanh, chương trình khuyến mại, sự kiện tại các nhà sách. Năm 2023 hệ thống nhà sách Fahasa trên toàn quốc đón tiếp khoảng 40 triệu lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm, ghi nhận 15 triệu hóa đơn bán hàng.

Một điểm khác Fahasa chú trọng là xây dựng đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp, kỹ năng tư vấn tốt, vốn được xem là một thế mạnh của thương hiệu.

Cũng tập trung vào chất lượng bán hàng là điều chuỗi nhà sách ADC hướng đến để thu hút độc giả tới mua sắm. Giám đốc Trung tâm Sách và Thiết bị Giáo dục ADCBook Kiều Anh Tuấn cho biết phương châm của công ty là "bán hàng là phục vụ", cũng là điểm khiến nhà sách này duy trì hoạt động và cạnh tranh được trong bối cảnh thương mại điện tử hiện nay.

 Quang cảnh tấp nập tại một nhà sách ADC. Ảnh: Fanpage ADCBook.

Quang cảnh tấp nập tại một nhà sách ADC. Ảnh: Fanpage ADCBook.

Năm 2023, chuỗi nhà sách ADC ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục, khi doanh thu là 432 tỷ đồng và thu lợi nhuận sau thuế hơn 14 tỷ đồng. So với năm liền trước, con số doanh thu thuần tăng 10%, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 8%.

Ông Kiều Anh Tuấn cho rằng kết quả này là thành quả và sự nỗ lực của các cán bộ công nhân viên công ty, đồng thời cũng một phần do thời điểm hậu Covid-19, nền kinh tế được phục hồi, sức mua được cải thiện cộng với việc công ty tiếp tục mở rộng và khai trương thêm nhà sách thứ 14, do đó cũng phần nào giúp doanh thu được tốt hơn.

Đẩy mạnh mở rộng các nhà sách

Nhận xét về bức tranh kinh doanh của công ty thời gian qua, ông Kiều Anh Tuấn cho rằng một trong những điểm đáng chú ý giúp tình hình hoạt động của ADC có sự phục hồi và phát triển từ sau đại dịch là việc mạnh dạn triển khai mở rộng hệ thống nhà sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Ông cho biết trong tương lai, tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế chung và của đơn vị, ADC vẫn sẽ tập trung vào việc mở rộng hệ thống phân phối nhằm cải thiện doanh thu, tạo công ăn việc làm và phát triển.

Phát triển mạng lưới nhà sách trên toàn quốc cũng là mục tiêu, định hướng của Fahasa trong thời gian tới. Thời gian qua, công ty đã khai trương thêm 5 nhà sách mới, đồng thời mở rộng quy mô các nhà sách hiện hữu trong chuỗi thông qua thay đổi địa điểm mới và tăng diện tích sàn.

 Fahasa đẩy mạnh mở rộng chuỗi nhà sách trên cả nước. Ảnh: Fanpage Fahasa.

Fahasa đẩy mạnh mở rộng chuỗi nhà sách trên cả nước. Ảnh: Fanpage Fahasa.

Trong những tháng đầu năm 2024, Fahasa liên tiếp khai trương hai nhà sách lớn: nhà sách Fahasa Trần Duy Hưng với quy mô 800 m2 và nhà sách Fahasa Kiên Giang tại địa điểm mới với diện tích gần 800 m2, kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng. Đây được đánh giá là nhà sách đẹp nhất khu vực miền Tây Nam bộ, có khối lượng hàng hóa trưng bày hơn 100.000 bản sách quốc văn và ngoại văn các loại, 25.000 mặt hàng văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, đồ chơi trẻ em, hàng lưu niệm cao cấp.

Ngoài ra, công ty đang triển khai nhiều dự án lớn như nhà sách Fahasa đông Sài Gòn diện tích 800 m2, nhà sách Fahasa Huế diện tích gần 900 m2 và có kế hoạch mở thêm các nhà sách mới ở những thị trường nhỏ như Bạc Liêu, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Hà Giang, Điện Biên…

Ánh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/cho-dung-cua-cac-chuoi-nha-sach-truyen-thong-post1469414.html
Zalo