Hiện tượng 'Cái bang online' ở Trung Quốc

Gần đây, truyền thông Trung Quốc liên tiếp đưa tin về chuyện 'ăn xin trên mạng' (Internet begging), đã thu hút sự chú ý của mọi người, nhất là vì hầu hết những 'cái bang online' này đều là sinh viên đại học.

Một bộ phận bạn trẻ muốn sống được với kỹ năng lướt phím

Một bộ phận bạn trẻ muốn sống được với kỹ năng lướt phím

Một bài trên tờ “Thành Đô Vãn báo” nhan đề “Cái bang trên Internet’ gửi email xin tiền” đã giới thiệu về cuộc sống ăn xin của một người dùng Internet tên là “Li Dan” (Lý Đơn): “21 tuổi, tốt nghiệp một trường đại học, chưa được cấp bằng. Anh ta bắt đầu ăn xin trên mạng từ tháng 12 năm ngoái, chủ yếu bằng cách gửi email. Lúc đầu, anh ta nghĩ việc đó lạ lẫm và thú vị; nhưng vào tháng 1/2024, Lý Đơn đã nhận được 10 Nhân dân tệ (1NDT= 35.000 VND) đầu tiên. Thế là anh ta thực sự bắt đầu lao vào làm nghề này. Khoản tiền lớn nhất mà Lý Đơn nhận được là 50 NDT (175.000 VND).

Cư dân mạng “Tiểu nữ tử” khá nổi tiếng trong giới “cái bang online” là sinh viên đại học. Địa chỉ trang mạng ăn xin của “Tiểu nữ tử” được lập ngày 11/10/2003. Admin có nick “Tiểu nữ tử” dùng hình thức bán các vật dụng cá nhân để “giao dịch công bằng”, “đổi lấy chút tiền tiêu vặt”. Các mặt hàng được cô ta bán rất đa dạng, từ khăn tắm, áo ngực, chân váy… cho đến những món quà lưu niệm mua trong các chuyến du lịch. Có rất nhiều mặt hàng với giá dao động từ 20 NDT đến 5.000 NDT. Trang web giới thiệu rất chi tiết về nguồn gốc, chức năng, tình trạng,… của các sản phẩm kèm theo ảnh chụp. Ở vị trí nổi bật trên website, “Tiểu nữ tử” đăng những bức “ảnh đời thường” của mình. Và với tựa đề “Tiểu nữ tử không bán thân!” cô ta đăng bức “Thư ngỏ xin ăn của Tiểu nữ tử” đặc biệt bắt mắt.

Theo lời tự kể, “Tiểu nữ tử” thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, việc sống trong một thành phố đầy cạm bẫy thực sự khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ. Cô thấy mình đang trôi đi không biết về đâu. Cô biết rằng nghiện Internet là liều thuốc độc với bản thân; cộng thêm thói quen đi du lịch sang chảnh, tiền của cô ngày càng giảm và cuộc sống rất khó khăn; nhưng vốn xuất thân con gái nhà lành, cô quyết không bán thân, chỉ muốn bán một số vật dụng cá nhân để đổi lấy một ít tiền tiêu vặt. Nếu ai quan tâm, xin hãy liên hệ.

Với những câu nói hài hước xen lẫn buồn thảm, những bức “ảnh đời thường” đẹp, nhạc nền dễ nghe và thiết kế web bắt mắt, đương nhiên rất dễ chiếm được cảm tình và sự giúp đỡ của nhiều cư dân mạng, đặc biệt là các anh trai. Theo thống kê, tổng số lượt truy cập vào website đã tới hàng chục ngàn, số người truy cập trung bình hàng ngày khoảng 20. Sự hợp lý mà “Tiểu nữ tử” thỉnh thoảng thể hiện trên website khá thu hút: “Tiểu nữ tử” không tán thành những người bạn có tài chính trung bình mua hàng. Khi đó tôi sẽ cảm thấy mình là một cô gái hư. Hãy xem tôi là một người qua đường, nhìn thấy rồi, hãy rời đi. Đừng lo lắng”, “Đây từng là những thứ tôi yêu thích, nhưng chúng không còn là của tôi khi được gửi đi. Hãy đối xử với chúng như một cô người yêu cũ”.

Ở cuối danh mục các mặt hàng được rao bán cũng có một số mặt hàng được niêm yết “vô giá”, bao gồm Maya và Xiaobai (là tên hai con mèo và chó của Tiểu nữ tử).

Ông Viên Sáng, Phó giáo sư Khoa Triết học, Đại học Phục Đán, người đã tiến hành nghiên cứu sâu về văn hóa Internet, cho rằng: Những người ăn xin trên Internet không khác mấy với những người ăn xin và hát rong trên đường phố. Cả hai đều cần có nền tảng văn hóa nhất định. Ăn xin online không dễ dàng: “Chỉ cần ngồi ở nhà, gõ bàn phím, di chuột là tiền sẽ về tài khoản” như một số cơ quan truyền thông đưa tin. Để nhận được nhiều sự đồng cảm và quyên góp của nhiều người, những “cái bang internet” thường cần có kỹ năng viết tốt để đảm bảo những lá thư xin ăn của họ “làm rơi nước mắt” người đọc. Đó là kỹ xảo ăn xin cơ bản nhất của họ.

Trên thực tế, những kỹ năng ăn xin mà họ cần nắm chắc không chỉ có thế. Ngoài kỹ năng văn hóa, “cái bang online” cần có kỹ năng sử dụng máy tính và hiểu biết nhất định về Internet. Những cái bang như “Tiểu nữ tử” cần phải có khả năng làm website và sự nhạy bén trong kinh doanh vượt trội. Một cái bang online thành công thậm chí phải có kiến thức về tâm lý học. Bởi vì hầu hết mọi người thường nghĩ rằng những người ăn xin sẽ dùng nhiều lý do khác nhau để mô tả bản thân là kẻ đáng thương. Những người không làm như vậy lúc đầu sẽ bị nghi ngờ. Nhưng đôi khi mọi người lại cảm thấy ghê tởm trước những bài viết và email “thê thảm” đó. Những “cái bang online” phải tìm kiếm sự cân bằng giữa những điều này.

Ở một mức độ nhất định, họ thậm chí có thể được coi là những tài năng tổng hợp kết hợp nhiều phẩm chất. Số tiền thu nhập từ việc ăn xin là tiêu chí quan trọng nhất để đo lường tố chất cao hay thấp.

Về hiện tượng ăn xin trên mạng của sinh viên đại học, một số người cho rằng tính chất che giấu của Internet đã khuyến khích một số người lười biếng muốn có ăn mà không cần làm việc.

Có người cho rằng ăn xin trên mạng không phải là một hành vi hành khất mà là một lối sống. Giáo sư Viên Sáng là người ủng hộ quan điểm này. Theo giáo sư Viên, ăn xin trên mạng đang dần phát triển thành lối sống và thậm chí là thời thượng. “Về ý nghĩa này, những người ăn xin online gần giống với các ca sĩ sân trường hơn mười năm trước và các hacker máy tính trong mấy năm gần đây”.

Thu nhập của đại đa số “cái bang online” nhìn chung là từ vài chục đến vài trăm tệ mỗi ngày, không quá cao. Tuy nhiên, vẫn có người thích thú lao vào, điều này dường như đủ để chứng minh “ăn xin trên mạng là một lối sống”.

Một số cư dân mạng để lại lời nhắn trên diễn đàn của trang web, nói rằng “Tiểu nữ tử” cơ bản không phải người ăn xin, cô ấy đang khởi nghiệp! Cô ấy đang là bà chủ của riêng mình trên Internet!

Thu Thủy (Theo Thanh niên Trung Quốc)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hien-tuong-cai-bang-online-o-trung-quoc-post1652719.tpo
Zalo