'Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư' là những doanh nghiệp nào?

Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư sẽ là đối tượng điều chỉnh của Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là đề xuất của Bộ Tài chính trong Dự thảo Luật đang được lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp.

Khái niệm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư

Theo giải trình của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư gồm hai nhóm. Một là, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp. Đây là các doanh nghiệp có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.

Hai là, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác. Đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp.

Theo Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nằm trong danh sách 9 doanh nghiệp Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc cho ý kiến về nhân sự.

Theo Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nằm trong danh sách 9 doanh nghiệp Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc cho ý kiến về nhân sự.

So với quy định hiện hành tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), đối tượng điều chỉnh đã có sự mở rộng đáng kể. Hơn thế, đối tượng này cũng đã mở rộng so với những ý kiến trước đó về đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ)

Giải trình đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng, xác định doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý theo dòng vốn đầu tư; Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư vốn, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.

Đáng nói là theo Bộ Tài chính, việc mở rộng đối tượng điều chỉnh này không đồng nghĩa với mở rộng đối tượng quản lý so với hiện nay do.

Theo dự thảo, Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp. Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

“Việc phân công rõ, phân cấp mạnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh”, Bộ Tài chính viết trong Dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ.

Đặc biệt, Dự thảo Luật đảm bảo nguyên tắc Nhà nước quản lý vốn đầu tư thông qua cơ quan đại diện sở hữu vốn, có nghĩa là không quản lý trực tiếp các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước). Cơ quan đại diện sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, không quản lý trực tiếp các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý vốn đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác.

Ngoài đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, Dự thảo Luật xác định đối tượng áp dụng là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Chỉ còn khoảng 9 doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định nhân sự

Dự thảo xác định rõ nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, từ việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến việc xây dựng, phê duyệt, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Cụ thể, về công tác nhân sự, trên cơ sở thẩm định của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc có ý kiến nhân sự là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí chen chốt của nền kinh tế, quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia.

Theo Dự thảo, Chính phủ sẽ quyết định danh sách cụ thể các doanh nghiệp trong từng thời kỳ. Dự kiến hiện nay gồm 9 doanh nghiệp: Công nghiệp viễn thông quân đội; Bưu chính viễn thông; Công nghiệp than khoáng sản; Dầu khí; Điện lực; Hóa chất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su và Xăng dầu.

So với hiện nay, giảm 19 đầu mốidoanh nghiệp phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định hoặc có ý kiến các chức danh (Người đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Trưởng kiểm toán nội bộ) tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định hoặc có ý kiến các chức danh còn lại theo Điều lệ công ty.

Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp quyết định cử người đại diện chủ sở hữu vốn của doanh nghiệp; quyết định hoặc có ý kiến nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng tại doanh nghiệp sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác quyết định nhân sự còn lại theo Điều lệ Công ty.

Về chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Dự thảo quy định các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động theo hình thức nhóm công ty gồm tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ, công ty con phải lập và phê duyệt chiến lược kinh doanh; các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn lại không phải lập và phê duyệt chiến lược kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, trên cơ sở đề xuất của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và ý kiến của các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt hoặc có ý kiến để Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định phê duyệt chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp theo danh sách các doanh nghiệp được Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ nêu trên. Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp và ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định phê duyệt hoặc có ý kiến để doanh nghiệp quyết định phê duyệt về chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp quyết định phê duyệt hoặc có ý kiến để doanh nghiệp quyết định sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn...

xác định rõ nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp từ việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến việc xây dựng, phê duyệt, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện phân công, phân cấp cụ thể các vấn đề đầu tư vốn quan trọng, có số vốn đầu tư lớn, gắn với lựa chọn người quản lý vốn nhà nước đầu tư; vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được quản lý, theo dõi thống nhất theo một chính sách về sở hữu vốn; kiểm tra, giám sát, báo cáo kịp thời. Trên cơ sở đó quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền một số nội dung thực hiện quản lý vốn tại doanh nghiệp về công tác nhân sự chủ chốt, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-co-von-nha-nuoc-dau-tu-la-nhung-doanh-nghiep-nao-d219454.html
Zalo