Cho đời thêm đẹp

Gia đình ông Nguyễn Như Tuấn, bà Phan Thị Thảnh ở thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong (Nam Sách, Hải Dương) 30 năm nay âm thầm vẽ cho đời những nét xinh tươi bằng những bó hoa muôn màu sắc.

Bà Phan Thị Thảnh bên những luống hoa do chính tay bà chăm sóc. Ảnh: TUẤN ANH

Bà Phan Thị Thảnh bên những luống hoa do chính tay bà chăm sóc. Ảnh: TUẤN ANH

Mới lạ

Ai đã một lần đi trên quốc lộ 37, đoạn qua xã Hồng Phong chắc không khỏi ngạc nhiên vì một cánh đồng hoa với nhiều loại và màu sắc rực rỡ khác nhau. Nhiều người dừng lại ngắm nhìn, chiêm ngưỡng và chụp ảnh tại cánh đồng hoa này.

Ông Nguyễn Như Tuấn (thứ 3 từ trái sang) ở thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong (Nam Sách) giới thiệu về mô hình trồng hoa của gia đình với lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh

Ông Nguyễn Như Tuấn (thứ 3 từ trái sang) ở thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong (Nam Sách) giới thiệu về mô hình trồng hoa của gia đình với lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh

Hơn 30 năm nay, hằng ngày bà Thảnh vẫn chăm chỉ ra đồng chăm sóc hoa. Bà Thảnh bảo, nếu một ngày không ra đồng hoa, không tận mắt chứng kiến chúng phát triển ra sao thì bà không yên tâm. Bà ví ruộng hoa như những đứa con, hằng ngày cần bón phân, tưới nước, bắt sâu… Bà thường lo lắng đứng ngồi không yên khi thời tiết thay đổi... Để có những ruộng hoa mơn mởn ấy, ông Tuấn, bà Thảnh phải thức khuya dậy sớm, thuộc làu đặc tính của từng loại hoa.

Chỉ tay về phía ruộng hoa, bà Thảnh giới thiệu, kia là cúc trắng, cúc vàng, dơn, cát tường, mỗi hoa lại có vài loại với màu sắc, hình dáng, đặc điểm khác nhau. Ngoài những loại hoa truyền thống được trồng nhiều năm nay, ông bà còn tìm kiếm đưa một số loại hoa từ vùng đất khác về điều chỉnh cho phù hợp với đất đai, khí hậu của Hải Dương.

Những bông cát tường được trồng tại vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Như Tuấn

Những bông cát tường được trồng tại vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Như Tuấn

Một trong những loại hoa hầu như chưa có gia đình nào ở Hải Dương trồng là hoa cát tường nhưng đã được nhà bà trồng cách đây 5 năm.

Cây hoa không cao, thân, lá và cánh mỏng manh dễ bị dập nát nên gia đình bà Thảnh ưu tiên trồng trong khung ni lông. Vào khoảng tháng 5 - 6, ông bà đặt tiền mua giống, sau đó chủ vườn gieo hạt, ươm cây trong bầu đến khi đủ lớn thì chuyển cho gia đình bà. Kỹ thuật trồng cát tường cũng cẩn thận hơn so với những loại khác. Là loại hoa ưa thời tiết mát mẻ nên khi trồng phải áp dụng các biện pháp che chắn nắng nóng và tránh mưa gió để hạn chế dập nát.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi hoa loa kèn nở là báo hiệu mùa hè sắp đến. Thế nhưng, gia đình ông Tuấn, bà Thảnh đã phá vỡ quy luật đó khi trồng và cho loa kèn ra hoa quanh năm. Để làm được điều đó, ông bà đã áp dụng một số kỹ thuật trong trồng hoa.

Củ hoa loa kèn sau khi mua về sẽ được ủ trong kho lạnh 8 độ trong thời gian 2 tháng, sau đó mới đưa ra trồng. Khoảng 3 tháng sau khi ươm trong đất, củ sẽ ra hoa. Sở dĩ phải ủ củ trong kho lạnh nhằm mục đích rút ngắn thời gian sinh trưởng khi được trồng trong đất và thuận lợi khi phân hóa mầm hoa.

Sau khi thu hoạch, ông bà lại bón phân, tạo nguồn dinh dưỡng để cây ra hoa quanh năm. Loại hoa này được khách hàng đón nhận bởi độc, lạ khi xuất hiện trái mùa.

Hoa thiên lý được người dân trồng từ xa xưa nhưng chỉ một vài gốc chứ chưa theo quy mô hàng hóa. Lúc đầu ông Tuấn cũng chỉ trồng một diện tích nhỏ để thăm dò nhu cầu thị trường. Khi thấy khách hàng ngày càng ưa chuộng loại hoa này, không chỉ để chơi mà còn chế biến thành món ăn, ông đã chủ động mở rộng diện tích lên 2 mẫu, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức tiêu thụ cho một số hộ dân trong thôn, xã.

Cánh đồng của gia đình ông Tuấn lúc nào cũng có nhiều loại hoa nở rực rỡ

Cánh đồng của gia đình ông Tuấn lúc nào cũng có nhiều loại hoa nở rực rỡ

Khi số lượng hộ trồng nhiều, tháng 10/2024, ông Tuấn đã thành lập Hợp tác xã Thiên lý Đoàn Kết với 9 thành viên. Các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nhiều trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Thiên lý là cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao và là món ăn bổ dưỡng nên để thêm nhiều người trồng loại cây này, ông Tuấn chủ động nghiên cứu sản xuất cây thiên lý giống.

Ông Tuấn lựa chọn cây mẹ mập mạp, không sâu bệnh, không quá già cũng không quá non để ươm cây thiên lý giống. Cây mẹ chỉ thu hoa đến tháng 6 - 7 thì ngừng để tập trung lấy nhánh.

Cây thiên lý được cắt thành từng đoạn khoảng 1 m, mỗi đoạn có 1 - 2 mắt, sau đó khoanh tròn đặt dưới đất, lựa chọn trồng ở khu vực cao, tránh bị ngập úng. Từ các mắt này sẽ nảy nhánh thành cây mới và chỉ cần trồng xuống đất, làm giàn cho thiên lý leo lên là thu hoạch được hoa. Mỗi năm, gia đình ông Tuấn cung cấp 8 - 10 vạn cây thiên lý giống cho thị trường cả nước.

Ngoài một số loại hoa đặc thù, gia đình ông còn duy trì hàng mẫu hoa cúc với nhiều loại, dơn, mẫu đơn, violet… Chia sẻ về tình yêu với các loại hoa, bà Thảnh cho biết: "Phải thật sự yêu hoa thì mới có thể chăm sóc, thức khuya dậy sớm, lo lắng cho chúng được. Chúng tôi chỉ cần nhìn lá hay hoa là biết chúng đang phát triển tốt hay bị sâu bệnh cũng như sử dụng loại thuốc gì cho phù hợp".

Thất bại nhưng không nản chí

Cát tường được trồng phổ biến ở Đà Lạt bởi khí hậu mát mẻ, ôn hòa nhưng đã được ông Tuấn, bà Thảnh áp dụng kỹ thuật để phù hợp với Hải Dương

Cát tường được trồng phổ biến ở Đà Lạt bởi khí hậu mát mẻ, ôn hòa nhưng đã được ông Tuấn, bà Thảnh áp dụng kỹ thuật để phù hợp với Hải Dương

Trồng hoa là nghề gia truyền nhiều đời của gia đình bà Thảnh.

Bà vốn quê ở thôn Phù Liễn, cùng xã Hồng Phong - một vùng đất trồng hoa lâu đời, nổi tiếng ở Hải Dương. Sau khi xây dựng gia đình với ông Tuấn, bà đã mang nghề trồng hoa về thôn Đoàn Kết. Để phát triển kinh tế gia đình, ngoài cấy lúa, ông bà quyết định trồng hoa. Lúc đầu, trên diện tích nhỏ với loại hoa cúc để phục vụ ngày Tết, hôm rằm nhưng khi chất lượng cuộc sống nâng cao, khách hàng chú trọng đến đời sống tinh thần thường xuyên mua hoa về chơi thì ông bà đã mở rộng với nhiều loại hoa hơn.

Để giải bài toán đất trồng hoa, ngoài gom góp bằng việc mua của các hộ xung quanh, hai ông bà còn thuê đất của những người bỏ hoang, sau đó cải tạo cho phù hợp. Ông bà xây kho lạnh chứa củ hoa hoặc hoa đến kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được hết. So với khu vực khác, khu vườn ươm được xây dựng cẩn thận với khung có mái che để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết.

Khó khăn nhất của người trồng hoa cũng như gia đình ông Tuấn, bà Thảnh là làm sao nắm bắt được kỹ thuật trồng và dự báo được thời tiết cũng như xu hướng chơi hoa của khách hàng. Để đáp ứng được điều đó, ông bà không ngừng tìm kiếm, học hỏi bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trước khi trồng loại hoa mới, ông bà nghiên cứu kỹ thị hiếu của khách hàng, đặc tính của từng loại hoa và sâu bệnh bằng việc trồng thử trên diện tích nhỏ. Ông bà cũng chăm đọc kiến thức trên mạng internet, đi tham quan mô hình thực tế của các nhà vườn ở tỉnh ngoài về loại hoa định trồng. "Thế nhưng không phải lúc nào cũng áp dụng được đúng các kiến thức đó mà phải biến tấu cho phù hợp với đặc điểm của từng loại cây và từng giai đoạn", bà Thảnh khẳng định.

Những bông loa kèn trái vụ

Những bông loa kèn trái vụ

Để có được thành công như hôm nay, hai ông bà cũng phải trải qua nhiều thất bại. Đó là lúc mua giống về trồng nhưng hoa không nở hay nở không đúng thời điểm, rồi ảnh hưởng của thời tiết, mưa bão cây còi cọc hoặc hỏng hàng loạt.

Không nản chí, hai ông bà vẫn tìm nhiều cách khác nhau khắc phục, vươn lên mở rộng vườn hoa. Đến nay, gia đình bà có trên 8,5 mẫu đất chuyên trồng hoa, sau khi trừ chi phí cho thu lãi hàng tỷ đồng. Gia đình bà còn thuê nhiều lao động chăm sóc, thu hái hoa, riêng vào vụ thu hoa thiên lý có từ 8 - 10 lao động với thu nhập từ 250.000 - 350.000 đồng/người/ngày.

Đánh giá về mô hình sản xuất của gia đình ông Tuấn, bà Thảnh, đại diện Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết đây là mô hình tiêu biểu của địa phương về cả quy mô trồng và thu nhập. Ông bà còn chủ động chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân khác để cùng phát triển kinh tế, làm giàu trên đồng đất quê hương.

Chia tay chúng tôi, bà Thảnh cho biết sẽ tiếp tục giữ và phát triển nghề trồng hoa để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cũng là để nhà nhà được đẹp thêm.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cho-doi-them-dep-403699.html
Zalo