Chờ đặc cách, giáo viên Mỹ Đức đi vặt lông vịt để mưu sinh
'Chúng tôi vẫn đi dạy với mức lương 1.2 triệu đồng/ tháng; không được đóng bảo hiểm. Sau giờ dạy tôi vẫn tranh thủ làm thuê vì cuộc sống quá khó khăn'.
Giáo viên huyện Mỹ Đức vẫn chưa được đóng bảo hiểm, lương 1,2 triệu đồng/ tháng
Từ tháng 4/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có những bài viết phản ánh cuộc sống khó khăn của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức.
Theo đó gần 400 giáo viên hợp đồng huyện này; người ít thì 3-5 năm, người nhiều gần 20 năm vẫn đi dạy với mức lương 1.210.000 đồng/ tháng và không được đóng bảo hiểm.
Sau khi đăng tải câu chuyện này, nhiều độc giả bày tỏ sự hồ nghi về chế độ đãi ngộ với giáo viên ngay tại Hà Nội lại quá thấp như vậy.
Nhiều người còn so sánh với mức công phu hồ nhận được (khoảng 200.000 đồng/ ngày)
Tuy nhiên, câu chuyện trên được chính ông Mai Thành Công, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức thừa nhận:
“Đây là cái sai của huyện nếu chiếu theo Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng có đồng lương phụ cấp nào huyện cũng đã chi trả và các cô đã lĩnh hết, các cô không đóng bảo hiểm xã hội thì sau này hết tuổi lao động cũng không có chế độ gì.
Tuy nhiên, hiện nay hợp đồng lao động 1 tháng kéo dài 3 lần cũng phải ký hợp đồng dài hạn, chúng tôi biết điều này sai luật.
Trong kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục lần này, chúng tôi mong có cơ chế đặc biệt quan tâm đến giáo viên hợp đồng có kinh nghiệm, trình độ, mang tính nhân văn với các cô”.
Tuy nhiên, mặc dù biết là sai, nhưng gần 8 tháng trôi qua, đã là những ngày cuối năm, giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức vẫn lĩnh mức lương 1.2 triệu đồng/ tháng và không được đóng bảo hiểm xã hội (mặc dù giáo viên tự phải bỏ tiền túi ra để đóng bảo hiểm tự nguyện).
Tâm sự với phóng viên, cô Lê Thị Xuân, giáo viên hợp đồng Mỹ Đức bày tỏ:
“Tôi chán lắm rồi! Nếu họ cắt hợp đồng thì họ cắt luôn đi. Tôi đi làm công việc khác mức lương còn cao hơn. Mỗi tháng nhận 1.2 triệu tiền lương, đến tiền đổ xăng cũng không đủ chứ đừng nói mong làm giàu”.
Người giáo viên này cũng thừa nhận: Lương thấp nên ai thuê gì tôi cũng làm.
Cô Xuân nói: “Sau buổi dạy ai thuê gì tôi cũng làm. Ví như hôm nay có người thuê tôi đi vặt lông vịt tôi cũng đi. Còn với mức lương như thế thì ai sống được. Chúng tôi cũng không được đóng bảo hiểm xã hội.
Ai muốn đóng bảo hiểm thì tự bỏ tiền túi ra đóng bảo hiểm tự nguyện. Thử hỏi có giáo viên nơi đâu khổ hơn giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức hay không”.
Mặc dù Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung từng nói: Sẽ giải quyết vấn đề bảo hiểm cho giáo viên hợp đồng.
Thế nhưng sau 8 tháng từ khi vụ việc được phản ánh, gần 400 con người vẫn hưởng mức lương vô cùng thấp và không được đóng bảo hiểm.
Về cái lý, chúng tôi đã từng phân tích: Việc cơ quan sử dụng lao động trả lương hợp đồng thấp (thấp hơn mức lương tối thiểu vùng), không đóng bảo hiểm cho người lao động là vi phạm pháp luật.
Điều này được luật hóa tại điều 18 và điều 92 luật bảo hiểm xã hội. Đặc biệt đối tượng sử dụng lao động trong trường hợp này lại là cơ quan công quyền nhà nước đòi hỏi thượng tôn pháp luật.
Về cái tình, xin dẫn một câu hỏi của một giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức:
“Chúng tôi từng ấy năm công tác cho ngành. Vậy nhìn lại, ngành đối xử với giáo viên như thế nào.
Người ta cứ nói giáo dục là ngành cao quý, ngành nhân văn. Nhưng nhìn cách người ta đối xử với giáo viên hợp đồng như chúng tôi thì thử hỏi nhân văn ở đâu, công bằng ở đâu?”.
Không được đóng bảo hiểm, giáo viên mất cơ hội xét đặc cách
Mặc dù thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo rõ ràng về việc xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng.
Tuy nhiên cô Xuân và gần 400 giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức như ngồi trên đống lửa.
Bởi, trong số những điều kiện để giáo viên được xét đặc cách có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ 2015 trở về trước.
Tuy nhiên chỉ có khối mầm non là được đóng bảo hiểm, còn tất cả giáo viên hợp đồng tiểu học, trung học cơ sở không được đóng bảo hiểm.
Điều này đồng nghĩa với việc họ không đủ điều kiện để xét đặc cách.
Theo cô N.T.H, giáo viên hợp đồng Mỹ Đức: Số giáo viên hợp đồng nơi đây đang chịu thiệt đơn, thiệt kép, chịu hậu quả của một sự việc kéo dài không được giải quyết.
Cô H. nói: “Mặc dù huyện Mỹ Đức có trả lời sẽ có ý kiến lên thành phố về vấn đề bảo hiểm.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ngay từ đầu do Huyện và trường không đóng bảo hiểm cho giáo viên.
Như vậy là làm sai luật. Hậu quả của việc này kéo dài đến tận ngày hôm nay”.
Cô H. nói về những thiệt thòi của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức:
“Khi đi dạy chúng tôi đã hưởng lương thấp, không được đóng bảo hiểm. Việc làm như vậy vừa sai lý, vừa sai tình.
Nay thành phố có quy định xét đặc cách thì chúng tôi lại không đủ tiêu chuẩn do không được đóng bảo hiểm. Nhưng lỗi này là ở cơ quan sử dụng lao động. Cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là giáo viên”.
Cô Lê Thị Xuân và gần 400 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức mong muốn:
“Chúng tôi mong Thành phố có những chính sách giải quyết cho gần 400 giáo viên hợp đồng Mỹ Đức.
Chúng tôi đi làm đã khổ sở vì mức lương. Nay được đặc cách lại không đủ điều kiện. Bên cạnh đó chúng tôi cũng mong Huyện và nhà trường đóng bảo hiểm cho giáo viên, đảm bảo quyền lợi của người lao động”.
Như vậy sâu gần 8 tháng đấu tranh, cuộc sống của những giáo viên nhận lương 1.2 triệu đồng ngay giữa Hà Nội vẫn rất khó khăn. Nhiều dấu hỏi được đặt ra: Vì sao cơ quan sử dụng lao động khi đã nhận thức được cái sai của mình vẫn tiếp tục đứng trên cái sai đó?
Trong thời gian này, những giáo viên như cô Xuân vẫn cực nhọc mưu sinh. Biết đến khi nào những dấu hỏi kia mới trở thành dấu chấm, giải quyết dứt điểm vấn đề giáo viên hợp đồng dai dẳng gần 1 năm qua.