Chính thức phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định 270/QĐ-TTg ngày 13/2/2025 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
![Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_503_51474029/6c099f10ae5e47001e4f.jpg)
Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"
Mục tiêu của Chương trình là phát triển ngành công nghiệp hóa dược, nâng dần tỷ lệ sản xuất và sử dụng nguyên liệu làm thuốc trong nước và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm hóa dược, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành hóa chất Việt Nam, Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước và Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến 2045, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành hóa dược đạt 8 - 11%/năm
Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu đạt 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc; đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm trong nước. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm hóa dược thiên nhiên (dược chất, cao định lượng, tinh dầu giàu hoạt chất) > 10%/năm.
Đến năm 2045, công nghiệp hóa dược của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, có sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị ngành dược phẩm toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ngành hóa dược đạt 8 - 11%/năm.
Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chương trình, trong đó về thể chế, pháp luật, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về khuyến khích, hỗ trợ và thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa dược theo hướng ưu đãi hỗ trợ ở mức cao nhất về thuế, đất đai, tài chính... đối với một số hoạt động như nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ, đặc biệt công nghệ mới, công nghệ cốt lõi, công nghệ sản xuất các sản phẩm hóa dược có chất lượng, giá trị cao.
Tăng cường thu hút các doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hóa dược theo phương pháp tổng hợp hóa học và sinh tổng hợp hóa học.
Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư chiết tách, tinh chế các sản phẩm hóa dược thiên nhiên theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng, chăm sóc, khai thác, sơ chế dược liệu đến sản xuất và phân phối sản phẩm.
Rà soát, sớm có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu hóa học thiết yếu, như sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất các sản phẩm hóa học từ dầu mỏ dùng trong tổng hợp hóa dược và chiết tách, tinh chế dược liệu (dùng trong công nghiệp tổng hợp hóa dược và dùng để chiết tách, tinh chế dược liệu).
Tiếp tục hoàn thiện, cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đối với các sản phẩm hóa dược.
Rà soát, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, xuất khẩu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hóa dược. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đăng ký sáng chế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hóa dược mới; đăng ký lưu hành sản phẩm, hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc được bào chế từ sản phẩm hóa dược trong nước.
Nghiên cứu phát triển sản phẩm hóa dược chất lượng cao
Về khoa học - công nghệ, nhân lực và đào tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hóa dược, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, hướng vào nghiên cứu phát triển sản phẩm hóa dược chất lượng cao, có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu.
Khuyến khích các doanh nghiệp dược và hóa dược trích tối đa thu nhập để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh việc đào tạo, bảo đảm đáp ứng đủ yêu cầu về nhân lực cho ngành công nghiệp hóa dược, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao. Tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu trong đào tạo nhân lực.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong lĩnh vực hóa dược tại Việt Nam...
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp dược Việt Nam trong những năm vừa qua đã có bước tăng trưởng khá tốt về sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp dược ở trong nước đã đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó một số đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc Japan-GMP.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước đều sản xuất các loại thuốc thông thường, phổ biến trên thị trường như một số loại kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, v.v. trong khi các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị có yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa sản xuất được.
Cả nước hiện nay chỉ có 6 doanh nghiệp đăng ký sản xuất hóa dược, trong đó có 3 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Sản phẩm của các doanh nghiệp này tương đối đơn giản bao gồm terpin hydrat, hydroxit magie, cacbonat canxi, phosphate canxi, gelatin, v.v. Các doanh nghiệp hóa dược trong nước có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ và thiết bị khá lạc hậu nên giá thành sản phẩm cao, khả năng cạnh tranh thấp. Các sản phẩm chiết xuất từ cây dược liệu như tinh dầu, cao dược liệu chất lượng chưa cao và chủ yếu được sử dụng trong nước để sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc xuất khẩu.
Việt Nam có tiềm năng về nguồn dược liệu, nhất là có nguồn cây dược liệu phong phú, trong đó có một số loài được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới như: Sâm Ngọc Linh; Sâm vũ điệp; Tam thất hoang, Bạch hợp, Thông đỏ, Hoàng liên gai. Ở nước ta hiện đã hình thành một số vùng trồng cây dược liệu quy mô lớn như sâm Ngọc Linh, Quế, Hồi, Sơn tra, Thảo quả, Cát cánh, Actiso, Nghệ, v.v., trong đó diện tích trồng Quế và sản lượng vỏ Quế xếp thứ nhất trên thế giới. Một số cây dược liệu của Việt Nam có lợi thế về năng suất, hàm lượng hoạt chất so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp dược phẩm nước ta phải phụ thuộc vào nguồn cung từ nhập khẩu nguyên liệu bào chế thuốc và dùng để sản xuất các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe khác; việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược có ý nghĩa quan trọng.