Chính sách với người nghỉ hưu trước tuổi: Những điều cần biết

BBK- Để đảm bảo chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu trước tuổi khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP. Theo đó, nếu đảm bảo các điều kiện, người nghỉ hưu sớm sẽ vừa được hưởng lương hưu, vừa được nhận thêm một khoản hỗ trợ.

Nghỉ hưu sớm, có bị trừ tỷ lệ lương hưu?

Thông tin về chính sách đối với người lao động khi nghỉ hưu sớm, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Theo đó, triển khai theo Nghị định, nếu như trước đây người nghỉ hưu sớm bị trừ phần trăm (%) lương hưu, thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP sẽ vừa được hưởng lương hưu, vừa được nhận thêm một khoản hỗ trợ.

 Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì khi thôi việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề… (Ảnh minh họa).

Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì khi thôi việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề… (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng, người lao động cần hiểu đúng về chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu. Hiện nay, chính sách nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu này thường bị hiểu nhầm là được nghỉ hưu trước tuổi nhưng vẫn hưởng lương hưu hằng tháng với tỷ lệ tối đa 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH mà không bị giảm trừ.

Trong khi đó, Luật BHXH quy định mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, người lao động sẽ bị giảm 2% tỷ lệ hưởng lương hưu, trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì sẽ giảm 1%.

Theo đó, mức lương hưu hằng tháng sẽ được tính toán theo thời gian đóng BHXH tính đến thời điểm nghỉ hưu (đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%; đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2% và đều có mức tối đa bằng 75%).

Như vậy, nghỉ hưu trước tuổi khi tinh gọn bộ máy sẽ không bị giảm trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu sớm, còn mức hưởng lương hưu hằng tháng sẽ vẫn căn cứ theo thời gian đóng BHXH. Muốn hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng tối đa 75%, lao động nam phải đảm bảo điều kiện đóng đủ 35 năm BHXH, còn lao động nữ thì phải đủ 30 năm đóng BHXH.

Chế độ với người nghỉ hưu trước tuổi trong sắp xếp bộ máy

Cụ thể hóa chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 01/2025/TT-BNV.

Theo đó, đối với trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, được hưởng 3 khoản trợ cấp sau: Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm; trợ cấp cho số năm nghỉ hưu sớm (cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) được hưởng 5 tháng tiền lương hiện hưởng); trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc.

Đối với trường hợp có tuổi đời còn trên 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, được hưởng 3 khoản trợ cấp sau: Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm; trợ cấp cho số năm nghỉ sớm (cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng) được hưởng 4 tháng tiền lương hiện hưởng); trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc.

Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP thì được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm như cách tính cho người nghỉ hưu trong thời hạn 12 tháng đầu tiên quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Cách tính hưởng chính sách thôi việc với viên chức và người lao động

Theo Thông tư 01/2025/TT-BNV, viên chức và người lao động được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ thôi việc thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc hưởng BHXH một lần theo quy định của pháp luật về BHXH quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; đồng thời được hưởng 3 chính sách quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 10 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP như sau: Trợ cấp thôi việc; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng BHXH bắt buộc; trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.

Cùng đó, viên chức, người lao động được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2023).

Chia sẻ về chính sách này, ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì khi thôi việc sẽ được hưởng các chính sách về trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm... Nếu người lao động nghỉ nhiều, số lượng này tăng, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ chi ra nhiều hơn. Tuy nhiên, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn kết dư hơn 60.000 tỷ đồng. Do đó, với những viên chức, người lao động thôi việc khi tinh gọn bộ máy thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo khả năng chi trả.

Nghị định 178/2024/NĐ-CP áp dụng đối với các đối tượng sau:

1. Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và lực lượng vũ trang do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp quy định tại Điều 1 Nghị định này, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức;

b) Cán bộ, công chức cấp xã;

c) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15/1/2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

đ) Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân;

e) Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

2. Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ nghỉ thôi việc theo nguyện vọng thực hiện theo quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.

Theo laodongthudo.vn

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/chinh-sach-voi-nguoi-nghi-huu-truoc-tuoi-nhung-dieu-can-biet-post69269.html
Zalo