Chính sách tín dụng: Điểm tựa vững chắc giúp nông dân Điện Biên phát triển kinh tế
Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH thực hiện đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chỉ thị 40 - chủ trương của Đảng thấu hiểu lòng dân
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 (Chỉ thị 40) của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội có thể khẳng định đây là một trong những quyết sách lớn, là cầu nối quan trọng giữa ý Đảng và lòng dân. Chỉ thị 40 đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động của NHCSXH tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Điện Biên nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Sự vào cuộc của cấp ủy và chính quyền; các tổ chức chính trị xã hội các cấp trong huyện đã mang lại những kết quả khích lệ trên mọi mặt về đời sống kinh tế, văn hóa, trật tự xã hội cho người dân nghèo tại nông thôn.
Trong thời tiết thu se se lạnh của tháng 9, tôi đặt chân đến xã Pom Lót huyện Điện Biên. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được nhìn thấy diện mạo mới của một xã thuần nông trên địa bàn huyện Điện Biên; những tuyến đường bê rộng mở, trải dài đến từng thôn, xóm, những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp; nhìn trẻ em được học tập, vui chơi trong những ngôi trường đạt chuẩn giáo dục, cơ sở vật chất ngày một khang trang… Tôi cảm nhận rõ sự thay da đổi thịt của vùng quê này. Gặp đồng chí Lê Ngọc Hoàn - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, đồng chí cho biết: “xã Pom Lót là một trong 03 xã của huyện Điện Biên được công nhận xã Nông thôn mới nâng cao vào tháng 11 năm nay. Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, cùng với nguồn lực của nhà nước, nhân dân trong xã đã tích cực chung tay xây dựng, cùng đóng góp công sức, tiền của để xây dựng quê hương. Để góp phần vào thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn xã không thể không nhắc đến việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của xã. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của toàn thể cán bộ, đảng viên xã Pom Lót thời gian qua giúp công tác giảm nghèo được triển khai thiết thực hơn. Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Nhờ các chương trình vay vốn cho hộ nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh viên, số hộ khá và giàu trong xã ngày càng tăng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Điện Biên”.
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư, công tác tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn huyện đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trong giai đoạn 2014-2024, NHCSXH huyện đã giải ngân cho 36.552 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng doanh số cho vay đạt 1.681 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2024, tổng nguồn vốn đạt 879,036 tỷ đồng, tăng 151% và tổng dư nợ đạt 878.777 tỷ đồng, tăng 151% so với năm 2014. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo huy động nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tập trung vào nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng huyện Điện Biên cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, đúng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra.
Điểm tựa vững chắc giúp nông dân phát triển kinh tế
Hội Nông dân huyện Điện Biên là một tổ chức chính trị xã hội. Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện luôn phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch NHCSXH huyện để triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW.
Để triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị số 40, Hội Nông dân huyện Điện Biên luôn xác định và làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai các văn bản có liên quan đến hoạt động tín dụng CSXH cho 20/20 cơ sở Hội và 105 Tổ TK&VV xem đây là nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thu lãi, hướng dẫn người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, luôn chủ động, tích cực chỉ đạo, sâu sát hội viên nông dân để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn tại tổ, hội viên; Hội Nông dân 02 cấp luôn làm tốt công tác tuyên truyền sử dụng vốn vay đúng mục đích, quản lý các nguồn vốn của NHCSXH gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Hội Nông dân xã làm tốt công tác phối hợp công tác bình xét cho hộ vay; thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch như đã ký kết với Phòng giao dịch NHCSXH huyện. Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với Phòng giao dịch huyện tổ chức tập huấn về nghiệp vụ ủy thác; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Năm 2014, Hội Nông dân quản lý số dư nợ là 129,9 tỷ đồng. Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang triển khai 12 chương trình tín dụng, thông qua 105 tổ TK&VV với 3.405 hộ vay, tổng dư nợ của Hội Nông dân huyện đang quản lý là 232,5 tỷ đồng, tăng 180% so với năm 2014, chiếm 27% tổng số dư nợ ủy thác thông qua các tổ chức đoàn thể trong huyện; tỷ lệ thu lãi, hộ vay của các tổ TK&VV đạt 98,7%.
Nhờ làm tốt công tác quản lý dư nợ ủy thác mà nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện được tiếp cận nhiều chương trình vay vốn hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân có thêm vốn để phát triển sản xuất, nhiều gương nông dân điển hình vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Điển hình như hộ anh Đặng Văn Phương, thôn Hoàng Yên, xã Thanh Yên. Năm 2016 gia đình anh là hộ cận nghèo, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn anh đã được bình xét cho vay 50 triệu, anh đầu tư mua 02 bò cái sinh sản để làm kinh tế, ngoài ra anh vay mượn thêm anh, em trong gia đình đào ao thả cá, nuôi vịt đẻ… nhờ sự cần cù, chịu khó, tiết kiệm, gia đình anh đã có tiền tích góp để trả lãi và gốc cho ngâng hàng theo đúng quy định. Không chỉ dừng lại ở đó, năm 2022 gia đình anh mạnh dạn đề nghị vay thêm 100 triệu từ chương trình giải quyết việc làm cùng với nguồn vốn tích góp của gia đình, anh tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, hiện nay anh có 5.000m2 ao nuôi trồng thủy sản, chuồng trại chăn nuôi gà đẻ, vịt đẻ khoảng 3.000 con, 05 con bò sinh sản mỗi năm cho thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng/năm trừ chi phí khoảng lãi khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên 2-3 lao động. Từ một hộ cận nghèo mà gia đình anh vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, gia đình anh là một tấm gương sáng không chỉ trên địa bàn xã Thanh Yên mà còn lan tỏa cho hội viên, nông dân các xã trên địa bàn huyện đến học tập, trao đổi kinh nghiệm; Ngoài hộ gia đình anh Phương, còn có hộ gia đình ông Lò Văn Thu, sinh năm 1962 tại bản Na Vai, xã Pom Lót với mô hình nuôi Hươu Sao và trâu, bò sinh sản; hộ ông Lò Văn Thi tại Bản Lói, xã Mường Lói với mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản… là những hộ nông dân điển hình, tiêu biểu trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn chính sách tín dụng trên địa bàn huyện Điện Biên.
Từ những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 40. Có thể khẳng định rằng, Chỉ thị 40 là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, là yêu cầu có tính nguyên tắc bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; là Chỉ thị của “Ý Đảng - Lòng dân”. Trong đó, NHCSXH đóng góp vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, góp phần đưa Điện Biên trở thành huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 đúng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.