Chính sách thuế quan của Mỹ: Cơ hội tái định vị chiến lược phát triển

Không chỉ ứng phó với những thách thức từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ hội từ bối cảnh mới để tái định vị chiến lược phát triển, xác định rõ các ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư.

Tại Tọa đàm Đối thoại chính sách với chủ đề “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ (Mỹ): Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) tổ chức ngày 8/5, PGS.TS. Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, NEU cho rằng, để giảm thiểu tác động từ mức thuế đối ứng do Mỹ áp đặt, cách tiếp cận của Việt Nam cần hướng đến các mục tiêu như giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng tới doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo sự ổn định của thị trường nội địa và chuỗi cung ứng trong nước, duy trì niềm tin của nhà đầu tư quốc tế; từ đó biến thách thức thành động lực cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo PGS.TS. Phan Hữu Nghị, trong ngắn hạn Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp và ngành nghề bị ảnh hưởng, vừa hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo tăng trưởng năm 2025 là 8%. Mức hỗ trợ cần tính toán để có thể bù đắp phần lớn thiệt hại sau khi bị áp thuế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng cơ chế giám sát dòng vốn FDI vào Việt Nam, chủ động rà soát lại các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), cân nhắc kỹ lưỡng tác động về thuế, môi trường, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn đa quốc gia để thu hút FDI có chọn lọc.

Về phía doanh nghiệp, PGS.TS. Phan Hữu Nghị đề xuất, doanh nghiệp cần từng bước đầu tư công nghệ chuyển đổi số, đa dạng hóa đầu vào tránh những rủi ro về xuất xứ.

"Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các khu vực như EU, Ấn Độ, Trung Đông, Châu Phi… thông qua tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, UKVFTA…, từ đó gia tăng tính tự chủ và giảm phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ" - PGS.TS. Phan Hữu Nghị nhấn mạnh.

PGS. TS. Tạ Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, NEU cũng kiến nghị, Việt Nam rà soát lại nhóm hàng xuất siêu sang Mỹ và đàm phán làm giảm áp lực về thuế vào nhóm hàng này. Trong đó cần làm rõ không chỉ thương mại, Việt Nam còn bù trừ nhập dịch vụ từ Mỹ, và các FDI của doanh nghiệp Mỹ mang lợi nhuận về Mỹ. Về bản chất, nhóm hàng thiết bị điện tử, linh kiện và điện thoại chiếm 31%, Máy móc thiết bị 18%, và dệt may 16%, gỗ và giày dép 6-7%. Còn lại các mặt hàng trên 1 tỷ đô gồm có Thủy sản, nông sản, sắt thép...

Đối với nhóm các mặt hàng của khối doanh nghiệp FDI xuất siêu cần rà soát chính sách về thuế, ưu đãi thuế với các ảnh hưởng từ việc áp đặt thuê mới của Mỹ. Kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp nước ngoài đội lốt xuất siêu sang Mỹ, còn lại sẽ đảm bảo những ưu đãi về thuế đã cam kết và chia xẻ gánh nặng thuế nếu có thể

Nhóm các mặt hàng Việt Nam xuất siêu như dệt may, giầy dép, đồ gỗ, thủy sản.... cần phân tích rõ chuỗi giá trị Việt Nam được hưởng lợi với giá trị thuế mới.

"Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế toàn diện với tầm nhìn dài hạn, xác định rõ các ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung đầu tư. Nhìn dưới giác độ tích cực, việc Mỹ áp đặt thuế theo kiểu “Mỹ” sẽ làm cho cả thế giới sốc và thay đổi cách tiếp cận thực dụng hơn. Trong tất cả các nhóm hàng xuất siêu Việt Nam không thể dàn nguồn lực và mãi làm thuê trong chuỗi cung ứng toàn cầu" - PGS. TS. Tạ Văn Lợi nói.

Đồng thời, PGS. TS. Tạ Văn Lợi nhận định, trong tương lai, nhiều ngành nghề và dịch vụ đơn giản sẽ bị loại bỏ do việc chuyển đổi số và công nghệ robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI)...

Một vấn đề quan trọng khác, Việt Nam cần tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận công nghệ thế giới nhanh chóng hơn.. Việt Nam nên chú trọng thu hút FDI bằng nhân lực chất lượng cao, bằng sự minh bạch, công bằng sẽ đảm bảo cải thiện vị thế tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đào tạo nhiều kỹ sư thuộc nhóm mũi nhọn đề xuất trên để thâm nhập vào các doanh nghiệp lớn trên thế giới, thay vì đầu tư vào sản xuất sắt thép, chế biến và chế tạo và xuất khẩu lao động tay chân sẽ xuất khẩu kỹ sư, đủ trình độ hacker mạng, kỹ thuật số không gian, kỹ sư hạt nhân.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân - trụ cột ngày càng đóng vai trò quyết định trong việc tạo việc làm, đóng góp ngân sách và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Để làm được điều này, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và có tính cạnh tranh cao để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển chính của nền kinh tế.

Minh Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chinh-sach-thue-quan-cua-my-co-hoi-tai-dinh-vi-chien-luoc-phat-trien-d58231.html
Zalo