Thúc đẩy trụ cột giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa
Hợp tác của Nhật Bản và Việt Nam chủ yếu được triển khai trên 3 trụ cột: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, dẫn đến mở rộng đầu tư và thương mại; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh; thúc đẩy giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa.

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru. Ảnh: Kyodo
Tối 23.4, Bộ Ngoại giao cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 29.4.2025.
Theo đó, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và phu nhân sẽ thăm Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 29.4.
Tại cuộc họp báo vào ngày 23.4, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cho biết, Đông Nam Á hiện là trung tâm tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và nằm ở vị trí chiến lược quan trọng.
Tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một trong những ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản.
Việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, quốc gia có dân số hơn 100 triệu người và nền kinh tế năng động với tiềm năng phát triển lớn, là điều đặc biệt quan trọng.
Đại sứ Ito Naoki cho biết Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và Nhật Bản tin rằng kỷ nguyên mới này của Việt Nam sẽ là cơ hội tuyệt vời để mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Đại sứ Ito Naoki nêu rõ, hợp tác của Nhật Bản và Việt Nam chủ yếu được triển khai trên 3 trụ cột: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, dẫn đến mở rộng đầu tư và thương mại; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh; và thúc đẩy giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa.
Về kinh tế, khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, sự hợp tác giữa hai nước đóng vai trò rất quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này.
Nhật Bản sẽ thúc đẩy cụ thể hợp tác trong các lĩnh vực chủ chốt mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ theo hướng đáp ứng nhu cầu phát triển hơn nữa của Việt Nam.
Về năng lượng, hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đang được triển khai thông qua sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) do Nhật Bản đề xướng.
Hai nước đã quyết định triển khai 15 dự án đầu tư của Nhật Bản vào năng lượng tái tạo, bao gồm sản xuất điện gió ngoài khơi và sản xuất điện mặt trời, với quy mô đầu tư lên tới 20 tỉ USD.
Về nguồn nhân lực, hai nước hợp tác phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực như bán dẫn. Chương trình NEXUS của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, trong đó có hoạt động nghiên cứu chung về bán dẫn giữa Nhật Bản và Việt Nam, cũng như phát triển nguồn nhân lực trẻ đang được xem xét.
Ngoài ra, Trường Đại học Việt Nhật - dự án hợp tác chung giữa hai nước - đang chuẩn bị mở khóa đào tạo nhân sự ngành bán dẫn vào mùa thu năm nay.
Tổng vốn đầu tư lũy kế của Nhật Bản vào Việt Nam là 77,7 tỉ USD, đứng thứ 3. Kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu song phương đang trên đà đạt gần 50 tỉ USD, tăng 1,8 lần trong 10 năm qua.
Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản cùng đồng lòng nỗ lực để mở rộng và gia tăng hơn nữa thành quả hợp tác kinh tế, song đồng thời, quá trình cải cách mà Việt Nam đang tiến hành cũng rất quan trọng.
Cụ thể, quá trình này giúp cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đẩy nhanh quá trình cấp phép.
Về an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru đã đến thăm Việt Nam. Vào tháng 4, tàu khu trục Suzunami của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã cập cảng Đà Nẵng và tiến hành huấn luyện với hải quân Việt Nam.
Trong 2 năm qua, hợp tác công nghệ trong lĩnh vực thiết bị quốc phòng đã có những bước tiến vững chắc. Năm 2023, Nhật Bản đã chuyển giao công nghệ xử lý chống ăn mòn cho quân đội Việt Nam và năm 2024 Nhật Bản đã bàn giao cho Việt Nam 2 xe vận chuyển vật tư.
Về giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa, đây cũng là lĩnh vực rất quan trọng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.
Hiện nay, số lượng người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản lên tới 630.000 người, lượng khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản là 620.000 người, khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam là 710.000 người.
Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo là thị trường mà người trẻ Việt Nam lựa chọn trong mục tiêu tìm kiếm việc làm. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình mới "Việc làm để phát triển kỹ năng", trong khi các doanh nghiệp cũng sẽ cố gắng cải thiện hơn nữa môi trường làm việc cho người lao động Việt Nam.
Người lao động Việt Nam sẽ tiếp tục đến Nhật Bản, làm việc tại đây và học hỏi kỹ năng, sau đó quay trở về Việt Nam và đóng góp cho nền kinh tế và doanh nghiệp của Việt Nam.
Sự luân chuyển nhân lực như vậy là yếu tố vô cùng quan trọng trong quan hệ song phương.
Hiện có 170.000 người đang học tiếng Nhật tại Việt Nam. Đây là con số không nhỏ, nhưng Nhật Bản muốn gia tăng thêm nữa, cũng như tăng thêm số lượng nhân lực tiếng Nhật trình độ cao.
Về hợp tác quốc tế, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những thách thức chung của cộng đồng quốc tế. Sự hợp tác này ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là khi tình hình toàn cầu không ngừng biến động.
Việt Nam đang thực hiện chính sách ngoại giao chủ động hơn tại những diễn đàn như Liên Hợp Quốc hoặc ASEAN, và Nhật Bản cũng mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác và liên kết để ủng hộ định hướng của Việt Nam. Năm nay, Nhật Bản và Việt Nam đồng chủ trì trong khuôn khổ hợp tác Nhật Bản - Mekong, và các bên sẽ cùng thảo luận để đạt được kết quả.
Đại sứ Ito Naoki cho biết trong thời gian tới sẽ có các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Nhật Bản tới Việt Nam. Thông qua các chuyến thăm, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hợp tác, thể hiện cam kết của Nhật Bản với vai trò là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.