Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 4/2025
Nhiều chính sách, quy định trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực từ tháng 4/2025, với các nội dung liên quan đến chế độ làm việc với giáo viên, hỗ trợ sinh viên sư phạm...

Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh: Thế Bằng.
Từ tháng 4/2025, nhiều quy định mới về giáo dục có hiệu lực. Giáo viên, học sinh và các nhà trường cần nắm vững để thực hiện đúng theo quy định.
Bỏ đấu thầu đào tạo giáo viên
Ngày 3/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116/2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Theo đó, Nghị định 60 điều chỉnh quy định phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm. Trong đó, Nhà nước thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách.
Địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì cần giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo.
Với quy định này, các cơ sở đào tạo và sinh viên sư phạm sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm yên tâm học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Trước đó, theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm gồm ba diện: Đào tạo theo nhu cầu xã hội; giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; tự do.
Ngoài ra, Nghị định 60 có một số điểm mới nhằm khắc phục tình trạng sinh viên bị nợ tiền hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi trong trường hợp thu hồi kinh phí hỗ trợ.
Nghị định bổ sung, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan như Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh, cơ sở đào tạo giáo viên, người học... trong việc thực hiện chính sách, đặc biệt là việc làm rõ trách nhiệm đảm bảo kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Nghị định 60/2025 có hiệu lực từ ngày 20/4/2025.
Chế độ làm việc với giáo viên
Thông tư 05/2025 do Bộ GD&ĐT ban hành quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học có hiệu lực kể từ ngày 22/4/2025, thay thế Thông tư 28/2009.
Thông tư mới làm rõ nguyên tắc xác định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Thời gian làm việc của giáo viên thực hiện theo năm học và được quy đổi thành tiết dạy. Thời gian làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng bảo đảm 40 giờ/tuần.
Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường.
Trường hợp phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm, hiệu trưởng ưu tiên phân công kiêm nhiệm đối với giáo viên dạy chưa đủ định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần và bảo đảm giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Trường hợp phải phân công giáo viên dạy vượt định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm), tổng số tiết dạy vượt trong 1 tuần không quá 50% định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần. Tổng số tiết dạy vượt trong 1 năm học không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động.
Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ. Định mức tiết dạy với giáo viên trường tiểu học là 23 tiết, THCS là 19 tiết, THPT là 17 tiết. Giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú được quy định thấp hơn 2 tiết, lần lượt là 21, 17 và 15 tiết.
Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đại học
Thông tư 04/2025 do Bộ GD&ĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 4/4/2025.
Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo gồm 8 tiêu chuẩn: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo; hoạt động dạy và học; đánh giá kết quả học tập; đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; các dịch vụ hỗ trợ người học; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị; đầu ra và kết quả đầu ra.
Ngoài ra, Thông tư 04/2025 bãi bỏ nhiều quy định tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo một số ngành đặc thù, đào tạo từ xa tại các thông tư trước đó.