53 quốc gia, vùng kinh tế tham gia tham gia chương trình TALIS

Tham dự chương trình TALIS, các quốc gia sẽ định hướng xây dựng chính sách và các giải pháp phát triển đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên.

Quang cảnh Hội thảo tập huấn về quy trình, kỹ thuật triển khai khảo sát TALIS.

Quang cảnh Hội thảo tập huấn về quy trình, kỹ thuật triển khai khảo sát TALIS.

Chương trình Đánh giá Quốc tế dạy và học (tên tiếng Anh: Teaching And Learning International Survey, viết tắt là TALIS) là cuộc khảo sát quốc tế lớn nhất thế giới về giáo viên và cán bộ quản lý trường học do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu xây dựng và triển khai tổ chức, được diễn ra với chu kỳ đánh giá 5 năm/lần.

Chu kỳ đầu tiên của Chương trình TALIS bắt đầu vào năm 2008 tại 24 quốc gia/vùng kinh tế OECD; TALIS chu kỳ 2013 có 33 quốc gia/vùng kinh tế tham dự, TALIS chu kỳ 2018 có 46 quốc gia/vùng kinh tế tham gia. Và chu kỳ gần đây nhất vào năm 2024 có 53 quốc gia/vùng kinh tế tham gia. Điều này càng khẳng định thêm uy tín và hiệu quả của TALIS trên thế giới.

Chương trình TALIS tiến hành nghiên cứu vai trò của Hiệu trưởng và sự hỗ trợ của họ dành cho giáo viên; những cách thức công nhận, phê duyệt và khen thưởng giáo viên trong đánh giá công tác giảng dạy; đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu phát triển chuyên môn của giáo viên.

Bên cạnh đó, TALIS nghiên cứu về đội ngũ giáo viên để đưa ra góc nhìn sâu hơn vào niềm tin và thái độ về việc giảng dạy mà giáo viên mang tới lớp học và các phương pháp thực hành sư phạm mà họ áp dụng; Nghiên cứu về các yếu tố khác nhau có liên quan đến cảm xúc của giáo viên về sự hài lòng công việc và sự tự tin vào bản thân.

 Đại diện Việt Nam và đại diện Ban Kỹ thuật TALIS tại Hội thảo về các hoạt động triển khai khảo sát chính thức TALIS năm 2024 do OECD tổ chức.

Đại diện Việt Nam và đại diện Ban Kỹ thuật TALIS tại Hội thảo về các hoạt động triển khai khảo sát chính thức TALIS năm 2024 do OECD tổ chức.

Thông qua việc tham dự TALIS, các quốc gia sẽ định hướng xây dựng chính sách và các giải pháp phát triển đội ngũ Hiệu trưởng, giáo viên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng trong trường học hiện nay.

Ngoài ra, TALIS kết nối với PISA xây dựng nên hệ thống dữ liệu đầy đủ về nhà trường, giáo viên và học sinh để tạo một bức tranh tổng thể về chất lượng giáo dục phổ thông ở mỗi quốc gia.

Việc tham gia PISA và TALIS sẽ tạo ra sự nhất quán cao, phối hợp chặt chẽ giữa TALIS và PISA sẽ giúp tăng cường hiệu quả cho cả hai chương trình đánh giá này. Các nguồn dữ liệu bổ trợ nhau sẽ nâng cao chất lượng dữ liệu, tạo ra các góc nhìn chính sách hoàn chỉnh và sâu sắc hơn, hoàn thiện bức tranh của nền giáo dục và khuyến khích các hoạt động giáo dục của các quốc gia tham gia.

Chính những yếu tố này đã tạo nên sự uy tín của TALIS, cũng như những giá trị khoa học mà TALIS mang lại cho các quốc gia/vùng kinh tế tham gia.

Ngày 9/3/2016, Bộ GD&ĐT đã kí thỏa thuận tham gia TALIS chu kỳ 2018. Đây là chu kỳ đầu tiên Việt Nam tham gia TALIS khảo sát: cấp THCS (trọng tâm), Tiểu học, Trung học phổ thông (THPT) và PISA link (các trường kết nối với PISA chu kỳ 2018).

Với uy tín và kết quả Việt Nam nhận được từ TALIS chu kỳ 2018, ngày 28/7/2022 Bộ GD&ĐT tiếp tục kí thỏa thuận tham gia TALIS chu kỳ 2024 với hình thức khảo sát cấp THCS (trọng tâm).

Từ những mục tiêu chung của chương trình, Việt Nam tham gia còn có mục tiêu cụ thể như sau:

Đánh giá tổng thể chất lượng giáo dục Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế về giáo dục.

So sánh "mặt bằng" giáo dục Việt Nam với giáo dục quốc tế để biết được giáo dục Việt Nam như thế nào, từ đó có sự cải tiến chính sách và đầu tư cho sự phát triển của giáo dục.

Học tập về kĩ thuật và phương pháp đánh giá của các nước tiên tiến nhằm đưa ra cách tiếp cận mới về dạy và học; từ đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục.

Video giới thiệu về chương trình:

Văn Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/53-quoc-gia-vung-kinh-te-tham-gia-tham-gia-chuong-trinh-talis-post725559.html
Zalo