Chính sách đặc thù, đủ mạnh nhưng phải liên thông với hệ thống pháp luật

Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng trong bối cảnh đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với nhà giáo. Do đó, cho ý kiến tại Phiên họp sáng nay, 25.9, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, dự luật phải bảo đảm vừa có chính sách đặc thù, đủ mạnh, vừa có sự liên thông với các luật liên quan, qua đó giúp đội ngũ nhà giáo thuận lợi trong quá trình hoạt động.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tạo bước chuyển mới trong phát huy vai trò nhà giáo

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo vì chất lượng hệ thống giáo dục phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Nói cách khác, nhà giáo chính là "chìa khóa" cho sự bền vững và năng lực quốc gia thông qua việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các giá trị xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức. Việc ban hành một đạo luật riêng điều chỉnh với nhà giáo sẽ góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện và động lực để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp . Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp . Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, dù hiện nay số văn bản quy định cụ thể về nhà giáo có tính chuyên biệt còn ít, có một số điều trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, nhưng các quy định pháp luật điều chỉnh đối với nhà giáo lại có rất nhiều.

Thực tế, trong lực lượng nhà giáo hiện nay có 3 đối tượng chính. Trong đó các hiệu trưởng, những người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đang được điều chỉnh bởi Luật Công chức. Phần lớn các giáo viên, kể cả cán bộ giữ đến chức Trưởng khoa, Trưởng phòng, Thành viên hội đồng trường ở các trường từ mẫu giáo, mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, cao đẳng, đại học là viên chức nên được điều chỉnh bởi Luật Viên chức. Ngoài ra, những người lao động bình thường không nằm trong khu vực công thì sẽ làm việc theo hợp đồng lao động được xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, cũng như áp dụng các chế độ, chính sách theo pháp luật về giáo dục.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng trong bối cảnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định về nhà giáo như vậy, nên Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, phải làm rõ Quốc hội cần ban hành những chính sách, những quy định nào ngoài các quy định hiện có tại các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp…

Bên cạnh đó, cần tính toán dự án Luật Nhà giáo có điều chỉnh với nhà giáo ở tất cả các cấp học, bậc học, trong đó có trường dạy nghề, các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trong các trường của lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam hay không? Bởi, nếu điều chỉnh chung cho nhiều nhóm đối tượng có thể sẽ phát sinh nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng.

Nhấn mạnh lại nguyên tắc những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì đưa vào luật, còn những vấn đề chưa chín, chưa rõ sẽ phải tiếp tục nghiên cứu", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu "xây dựng Luật Nhà giáo phải tiếp cận một cách thận trọng, nhất quán, bảo đảm có đột phá về chính sách nhưng không phá vỡ cấu trúc của hệ thống pháp luật hiện hành. Dự án Luật phải viết gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm, không trùng với các luật khác, đưa ra quy định chung cho nhà giáo trên toàn quốc chứ không phải của ngành giáo dục".

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng việc gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ làm thì giao cho Chính phủ, không "ôm đồm" vào luật; những vấn đề nào đang được điều chỉnh bởi các nghị định thì tiếp tục để nghị định điều chỉnh.

Tại dự án Luật này cần có những quy định pháp luật mới, những quy định căn bản để tạo ra bước chuyển mới trong phát huy vai trò nhà giáo, góp phần nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp và đạo đức của nhà giáo, từ đó đóng góp cho sự nghiệp giáo dục trước yêu cầu đổi mới. “Dự án Luật cần tập trung vào các nội dung thuộc về thẩm quyền của Quốc hội, còn lại sẽ giao cho Chính phủ và một số việc có thể giao hẳn cho Bộ”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Phải có phương thức đánh giá nhà giáo thống nhất

Dự thảo Luật Nhà giáo dành một Chương IV để điều chỉnh về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, hợp đồng dạy học, các chính sách sử dụng nhà giáo bao gồm chế độ làm việc, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo, nhà giáo dạy liên trường, đánh giá, phân loại đánh giá nhà giáo.

Đây là nội dung mới so với các luật liên quan, là quy định riêng về việc đánh giá nhà giáo khác với viên chức các ngành, lĩnh vực khác hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ rõ, tại dự thảo Luật mới quy định nội dung đánh giá, mục đích đánh giá… nhưng quan trọng nhất là phương thức, cách thức đánh giá lại chưa có quy định.

 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Nhấn mạnh việc đánh giá cán bộ là khâu khó, đánh giá nhà giáo lại càng khó hơn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, nghiên cứu bổ sung quy định chung về phương thức, cách thức đánh giá nhà giáo để áp dụng chung trên cả nước. Nếu giao mỗi hiệu trưởng quy định một cách đánh giá nhà giáo khác nhau sẽ không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Cùng quan điểm trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cân nhắc đưa quy định về đánh giá nhà giáo tại dự thảo Luật, vì "sản phẩm của ngành giáo dục rất khác, là con người, là trí tuệ, là đạo đức của học sinh và có thể sau 5-10 năm mới có thể thể hiện ra". Nếu giáo viên dạy giỏi, đạo đức tốt thì học sinh sẽ tự tôn vinh; nếu giữ quy định này tại dự thảo Luật thì phải thể hiện rất kỹ lưỡng, tránh gây áp lực.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Kết luận phiên thảo luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần tiếp tục rà soát, xác định rõ đối tượng áp dụng cho từng nhóm chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi; xác định rõ những vấn đề mới, đặc thù, những chính sách đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. “Dự án Luật tạo ra sự khác biệt, có quy định đặc thù, nhưng không khác biệt theo hướng một mình một kiểu. Nếu luật này không liên thông, không thống nhất thì có khi lại dở. Do vậy, dự án Luật phải bảo đảm vừa có chính sách đặc thù và đủ mạnh, nhưng phải có sự liên thông với các luật liên quan, qua đó giúp đội ngũ nhà giáo thuận lợi trong quá trình hoạt động”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-dac-thu-du-manh-nhung-phai-lien-thong-voi-he-thong-phap-luat-post391402.html
Zalo