Chính sách cho tín chỉ carbon
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị của thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đã đạt mức hơn 100 tỷ USD vào năm 2023, giá tín chỉ carbon dao động từ 1-2 USD đến gần 200 USD mỗi tấn. Tại Việt Nam, thị trường này có thể mang lại cho chúng ta hàng trăm triệu USD mỗi năm, giúp bảo vệ rừng, tạo nguồn tài chính bền vững và hỗ trợ các cộng đồng địa phương sống gần rừng.
Thống kê năm 2023 cho thấy, tổng diện tích rừng toàn quốc hiện có 14,86 triệu ha. Song diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13,92 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên 10,12 triệu ha, rừng trồng 3,79 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%.
Tập đoàn Vinacapital, đơn vị đang sở hữu Quỹ Vinacarbon nhận định, với diện tích rừng rộng lớn, cùng các cam kết bảo vệ môi trường, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng phát triển tín chỉ carbon từ rừng lớn nhất thế giới. Hơn nữa, việc tham gia vào thị trường carbon còn giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 mà chúng ta đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Các chuyên gia lưu ý, Việt Nam đứng thứ 35 trong các quốc gia có diện tích rừng lớn nhất thế giới, đặc biệt có hơn 200 ngàn ha rừng ngập mặn. Nếu rừng trên đất liền được coi là “mỏ bạc” thì rừng ngập mặn chính là “mỏ kim cương”. Nếu chúng ta biết cách khai thác thì những "mỏ bạc", "mỏ kim cương" này không chỉ sinh ra nguồn lợi kinh tế, mà rừng còn không bị mất đi và ngày càng đẹp hơn.
Việt Nam cũng có một lợi thế rất lớn về chi phí cạnh tranh với 60 triệu lao động thủ công. Để tạo ra những tín chỉ carbon rừng, cần nhiều lao động thủ công với khối lượng công việc chân tay rất lớn. Trong khi những nước có diện tích rừng tương đương Việt Nam không có.
Mặt khác, chúng ta có một thị trường tín chỉ carbon rất rộng mở và có tệp khách hàng luôn sẵn sàng mua tín chỉ carbon rừng, nhất là tín chỉ carbon rừng có chất lượng.
Tiềm năng tài chính từ tín chỉ carbon rừng của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này, cần phải giải quyết các thách thức về khung pháp lý, tài chính, kỹ thuật và sự tham gia của cộng đồng.
Việc huy động nguồn lực tài chính từ việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy bảo tồn rừng, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế bền vững ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có diện tích rừng lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu này đang bị tắc nghẽn do những thiếu hụt về khung khổ pháp lý; cơ chế xác định quyền sở hữu tín chỉ carbon rừng, chia sẻ lợi ích từ các dự án rừng và quản lý nguồn lợi từ tín chỉ vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án.
Hiện nay, hệ thống theo dõi, báo cáo và xác minh (MRV) của Việt Nam vẫn đang phát triển và chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tính chính xác và minh bạch để đạt được sự công nhận trên thị trường quốc tế. Phát triển các dự án rừng bền vững để tạo ra tín chỉ carbon đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi Việt Nam vẫn chưa có đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho các dự án này.
Đáng lo ngại là nhận thức đầy đủ về giá trị của tín chỉ carbon rừng và khả năng quản lý, thực hiện các dự án bảo tồn rừng và tín chỉ carbon rừng của nhiều cơ quan và tổ chức tại Việt Nam còn hạn chế.
Rõ ràng, tín chỉ carbon không chỉ là vấn đề mới với Việt Nam, mà với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần thời gian tìm hiểu, tham khảo quốc tế để xây dựng những chính sách phù hợp nhất trong điều kiện và bối cảnh của Việt Nam.
Cùng với hoàn thiện khung khổ pháp lý, Chính phủ sớm ban hành những cơ chế khuyến khích từ chính sách đầu tư, chính sách thuế cho chủ rừng, chủ đất, quỹ đầu tư, doanh nghiệp để họ yên tâm đầu tư lâu dài vào thị trường tín chỉ carbon rừng, xây dựng hệ thống lâm nghiệp carbon.