Chính quyền TT Trump sẽ ra sao khi Elon Musk 'nghỉ việc'?
Sau khi Elon Musk tuyên bố rút khỏi DOGE, nội các Tổng thống Trump đang lên kế hoạch tái kiểm soát ngân sách, nhân sự và hạn chế ảnh hưởng của cơ quan cải tổ chính phủ này.
Được thành lập ngay trong ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, DOGE do Musk đứng đầu là cơ quan đã dẫn đầu chiến dịch cắt giảm mạnh lực lượng lao động liên bang, tiết kiệm ngân sách bằng cách sa thải hàng loạt, hủy bỏ các hợp đồng và thu hẹp các dịch vụ công trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, vào ngày 22/4, Musk xác nhận ông sẽ chỉ dành một đến hai ngày mỗi tuần cho các công việc chính phủ, để tập trung giải cứu hãng xe Tesla đang gặp khó khăn. Với vai trò nhân sự đặc biệt trong chính phủ, nhiệm kỳ của Musk dự kiến kết thúc vào cuối tháng 5 tới, đặt dấu hỏi lớn cho tương lai của DOGE.
Tỷ phú công nghệ này từng mang lại “lá chắn chính trị” cần thiết cho Nhà Trắng khi DOGE triển khai các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" vốn khiến giới công chức kỳ cựu bất mãn.

Elon Musk trong cuộc họp nội các ngày 10/4. Ảnh: Reuters.
Căng thẳng trong nội bộ hành pháp gia tăng rõ rệt trong những tuần gần đây, đặc biệt tại cuộc họp nội các hồi tháng 3. Ngoại trưởng Marco Rubio cáo buộc Musk làm suy yếu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), trong khi Bộ trưởng Giao thông Sean Duffy thẳng thừng phản đối đề xuất sa thải kiểm soát viên không lưu – giữa lúc an toàn hàng không đang là mối lo lớn.
Các bộ trưởng đã nhiều lần yêu cầu giành lại quyền kiểm soát ngân sách, và việc Musk giảm vai trò được cho sẽ mở đường cho họ thực hiện các biện pháp cắt giảm có chọn lọc – thay vì các đợt cắt giảm tràn lan, thiếu cân nhắc.
“Một sự thay đổi quan trọng đang diễn ra: các lãnh đạo bộ ngành sẽ có tiếng nói quyết định cuối cùng về đề xuất chi tiêu và hiệu quả hoạt động liên bang”, một nguồn tin cho biết với Reuters. “Họ sẽ không còn cần sự phê chuẩn từ Musk cho mọi quyết sách”.
Sự thay đổi nhân sự cũng dẫn đến việc đánh giá lại vai trò của đội ngũ kỹ sư trẻ từng được Musk tuyển mộ vào DOGE – nhiều người trong số đó chưa có kinh nghiệm làm việc trong khu vực công.
Phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Harrison Fields, bác bỏ lo ngại rằng việc Musk rút lui đồng nghĩa với thay đổi định hướng của DOGE.
“Ngay từ đầu, DOGE đã được thiết kế như một công cụ để hỗ trợ nội các. Quyền tự chủ trong việc cắt giảm chi tiêu vẫn luôn thuộc về các bộ trưởng”, ông nhấn mạnh. “DOGE hoạt động gần như tự động và vẫn đang vận hành trơn tru để hiện thực hóa chương trình nghị sự của Tổng thống”.
Giới quan sát, bao gồm giới học giả và các tổ chức vận động ủng hộ hoặc phản đối DOGE, đều tin rằng kế hoạch tiết kiệm ngân sách sẽ tiếp tục – bất chấp việc Musk chỉ còn làm bán thời gian. Các sắc lệnh hành pháp đã tạo đà và nội các ông Trump vẫn đồng lòng với hướng đi này.
“DOGE đã được ‘nội bộ hóa’ vào trong cơ chế vận hành của nhiều cơ quan,” giáo sư luật Nick Bednar (Đại học Minnesota) nhận định. “Chuyến tàu này đã rời ga, rất khó để dừng lại”.
Là người ủng hộ nhiệt thành ông Trump trong cuộc bầu cử 2024, Musk giữ vai trò linh hồn trong nỗ lực cải tổ chính phủ liên bang.
Từ việc đóng băng tuyển dụng liên bang, hàng loạt đề xuất tinh giản biên chế, đến yêu cầu nhân viên chính phủ gửi báo cáo chi tiết hàng tuần – Musk có dấu ấn rõ nét trong mọi sáng kiến của Nhà Trắng, dù gần đây nhiều quy định này không còn được thực thi triệt để.
“Phần việc lớn nhất để thiết lập DOGE và đưa chính phủ trở lại đúng quỹ đạo tài chính cơ bản đã hoàn tất”, Musk tuyên bố hôm thứ 22/4.
Ông Tom Schatz, Chủ tịch tổ chức Citizens Against Government Waste, đánh giá rằng việc Musk “rút vào hậu trường” có thể khiến DOGE hiệu quả hơn.
“Musk là cái tên gây tranh cãi, nơi nào ông xuất hiện là nơi đó có sóng gió. Khi sự chú ý vào cá nhân ông giảm đi, có thể DOGE sẽ hoạt động suôn sẻ hơn”, ông cho biết.