Chính quyền Trump 2.0 sẽ vẽ lại bản đồ năng lượng châu Á?
Theo các nhà phân tích của S&P Global Commodity Insights, dòng chảy dầu thô từ Mỹ sang châu Á trong năm 2025 có thể bị thay đổi đáng kể nếu chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump điều chỉnh chính sách năng lượng.
Tiếp tục cạnh tranh với OPEC tại thị trường châu Á
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang châu Á, dù hiện tại ổn định nhưng vẫn có thể chịu ảnh hưởng từ chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ tiếp theo, tùy thuộc vào mối quan hệ với Trung Quốc, Iran và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác.
Theo các chuyên gia của S&P Global Commodity Insights, dự kiến dòng chảy dầu sang châu Á trong năm tới chỉ có thể bị thay đổi đáng kể nếu chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện điều chỉnh về mặt chính sách.
Chuyên gia trưởng về hàng hóa của S&P Global Commodities at Sea, ông Benjamin Tang, cho biết sản lượng khai thác dầu gia tăng cùng với các chiến lược cạnh tranh với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại thị trường châu Á cho phép Mỹ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực này, bất chấp sự sụt giảm trong xuất khẩu nhiên liệu sang Trung Quốc.
Xuất khẩu các loại dầu thô của Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay đạt mức 3,85 triệu thùng/ngày, gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Mỹ. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô sang châu Á trong cùng khoảng thời gian trên giảm khoảng 88.000 thùng/ngày, tương đương 5,7% khi xuất khẩu dầu Mỹ sang Trung Quốc giảm 155.000 thùng/ngày so với 305.000 thùng/ngày của năm 2023.
Các nhà phân tích của S&P Global Commodity Insights cho rằng chiến thắng của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay có thể gây tác động đáng kể lên mối quan hệ năng lượng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong trường hợp xảy ra căng thẳng thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc hoặc Nhật Bản có thể hưởng lợi thông qua việc tận dụng thuế nhập khẩu giảm để tăng mua dầu thô của Mỹ. Việc tăng thuế nhập khẩu dầu có thể chuyển hướng dòng chảy dầu mỏ sang các thị trường khác, tùy thuộc vào tính cạnh tranh về giá cả.
Các công ty lọc dầu Hàn Quốc có thể đẩy mạnh mua dầu Mỹ nhờ vào thỏa thuận thương mại tự do có lợi. Trong khi đó, Nhật Bản cũng có thể tăng nhập khẩu “vàng đen” của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Trung Đông.
Tiến tới điều chỉnh dòng chảy năng lượng tại châu Á
Dòng chảy năng lượng ở châu Á có thể bị ảnh hưởng từ các chính sách khác của Mỹ, bao gồm cả mối quan hệ với Nga, quốc gia gần đây đã chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ có thể áp đặt thêm biện pháp hạn chế việc tiếp cận dầu thô từ Nga, buộc một số nước châu Á phải tìm kiếm giải pháp thay thế cho hàng nhập khẩu của họ.
Sản lượng dầu thô của Iran – nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trong OPEC, và Venezuel nhiều khả năng cũng chịu tác động lớn từ chính sách của chính quyền Tổng thống Trump.
Sau khi giảm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, sản lượng dầu của Iran và Venezuela đã hồi phục dưới thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, khi trọng tâm của các biện pháp trừng phạt chuyển sang Nga.
“Nếu việc mua dầu từ Iran hoặc Venezuela trở nên khó khăn hơn đối với Trung Quốc do bất kỳ thay đổi chính sách nào từ chính quyền mới, bản đồ dòng chảy thương mại tổng thể của châu Á có thể sẽ thay đổi khi nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế lớn” -một nguồn tin thương mại châu Á tiết lộ với hãng tin AFP.
Theo các chuyên gia, sự ổn định trong xuất khẩu của Mỹ cũng có thể bị đe dọa nếu chính quyền mới áp đặt thêm thuế nhập khẩu lên các sản phẩm năng lượng, một kịch bản khiến các nhà tinh chế và thương mại châu Á lo lắng. Bên cạnh đó, sự hạn chế của các thị trường thay thế cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ có thể đe dọa an ninh năng lượng châu Á.
Tóm lại, mặc dù xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang châu Á có vẻ ổn định nhưng các quyết định chính sách trong tương lai của Washington, đặc biệt là về các lệnh trừng phạt và thuế nhập khẩu, có thể sẽ vẽ lại bản đồ năng lượng của châu Á.