Chính quyền Tổng thống Trump cắt thêm 450 triệu USD tiền tài trợ cho Đại học Harvard

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt thêm 450 triệu USD tiền tài trợ dành cho Đại học Harvard, trong bối cảnh tranh cãi dai dẳng liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái, quyền kiểm soát của tổng thống và giới hạn của tự do học thuật.

Bên trong khuôn viên Trường Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ ngày 15/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Bên trong khuôn viên Trường Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, Mỹ ngày 15/4/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo kênh Al Jazeera ngày 14/5, một lực lượng do ông Trump thành lập đã cáo buộc ngôi trường đại học lâu đời nhất nước Mỹ này có chính sách và hành vi phân biệt chủng tộc có hệ thống từ lâu.

Lực lượng trên tuyên bố: “Trường Harvard, từng là biểu tượng của uy tín học thuật, giờ đây đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa đạo đức giả và phân biệt đối xử. Đây không phải là lãnh đạo; đây là hèn nhát. Đây không phải là tự do học thuật; đây là tước quyền mang tính thể chế”.

Theo lực lượng trên, Harvard không còn xứng đáng nhận tiền của chính phủ liên bang nữa vì đã không hành xử có trách nhiệm, mà chỉ tìm cách xoa dịu các áp lực chính trị hay xã hội.

Trước thông báo cắt thêm 450 triệu USD tiền tài trợ nói trên, trường Harvard đã bị đình chỉ hơn 2,2 tỷ USD ngân sách liên bang từ tuần trước.

Cuộc đối đầu giữa ông Trump và Harvard bắt đầu từ tháng 3, khi ông Trump tìm cách áp đặt các quy định mới đối với các trường đại học hàng đầu từng là nơi diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trong năm qua.

Ông Trump gọi các cuộc biểu tình đó là “phi pháp” và cáo buộc người tham gia có hành vi bài Do Thái. Tuy nhiên, các thủ lĩnh sinh viên biểu tình cho rằng hành động của họ là phản ứng ôn hòa đối với cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza.

Trường Đại học Columbia ban đầu là tâm điểm trong chiến dịch của chính quyền ông Trump. Ngôi trường ở thành phố New York này là nơi có khu trại ủng hộ Palestine lớn đầu tiên mọc lên trong khuôn viên, trở thành hình mẫu cho các cuộc biểu tình tương tự trên toàn cầu. Sau đó, nhiều vụ bắt giữ quy mô lớn đã diễn ra tại đây.

Tháng 3, một trong các thủ lĩnh biểu tình ở Columbia là Mahmoud Khalil đã trở thành sinh viên nước ngoài đầu tiên bị bắt và bị hủy tư cách cư trú hợp pháp trong khuôn khổ chiến dịch của ông Trump nhằm trừng phạt người biểu tình. Khi ông Trump cảnh báo cắt 400 triệu USD tiền tài trợ và hợp đồng nghiên cứu, trường Columbia đã chấp nhận tuân theo một loạt yêu cầu để khôi phục nguồn ngân sách.

Các yêu cầu đó bao gồm chấp nhận định nghĩa chính thức về chủ nghĩa bài Do Thái, tăng cường an ninh trong khuôn viên trường và đặt một khoa học thuật chuyên về Trung Đông, châu Phi và Nam Á dưới sự giám sát của một cơ quan bên ngoài.

Ngày 11/4, chính quyền Tổng thống Trump đưa ra một danh sách yêu cầu mới đối với Harvard, còn khắt khe hơn. Theo đó, Harvard sẽ phải cải tổ hệ thống kỷ luật, xóa bỏ các sáng kiến về đa dạng và chấp nhận để một cơ quan độc lập kiểm tra các chương trình bị cho là mang tính bài Do Thái.

Danh sách này cũng yêu cầu Harvard thực hiện các thay đổi về cơ cấu và nhân sự nhằm thúc đẩy đa dạng quan điểm.

Harvard từng là tâm điểm của nhiều tranh cãi liên quan đến tuyển sinh. Năm 2023, Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết rằng việc Harvard xem xét yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh thông qua chính sách hành động tích cực là vi phạm Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ.

Cuối cùng, ngày 14/4, ông Alan Garber - Hiệu trưởng Harvard - đã bác bỏ các yêu cầu của chính quyền Tổng thống Trump, cho rằng đó là dấu hiệu can thiệp quá mức từ chính phủ.

“Không có chính phủ nào dù thuộc đảng nào được quyền can thiệp vào việc các trường đại học tư thục dạy gì, tuyển ai và nghiên cứu lĩnh vực nào”, ông Garber viết trong thư phản hồi.

Tuy nhiên, ông Trump tiếp tục gây áp lực với Harvard, trong đó có cảnh báo tước quy chế miễn thuế của trường. Các nghị sĩ đảng Dân chủ và nhiều người chỉ trích khác cảnh báo rằng tổng thống không có quyền can thiệp vào quyết định của Sở Thuế vụ (IRS) liên quan đến từng đối tượng nộp thuế, như các trường đại học.

Dưới thời ông Trump, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng đã cảnh báo cấm sinh viên nước ngoài nhập học tại Harvard nếu trường không giao nộp các tài liệu liên quan đến cuộc biểu tình ủng hộ Palestine.

Ngày 12/5, ông Garber đã viết thư phản hồi bà Linda McMahon, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, bảo vệ cam kết của trường đối với tự do ngôn luận, đồng thời đề cập đến mối lo ngại về chủ nghĩa bài Do Thái. Bức thư có đoạn: “Chúng tôi có chung quan điểm ở một số vấn đề quan trọng, bao gồm chấm dứt chủ nghĩa bài Do Thái và mọi hình thức định kiến trong khuôn viên trường. Giống như bà, tôi tin rằng Harvard phải thúc đẩy một môi trường học thuật khuyến khích tự do tư tưởng và biểu đạt, rằng chúng tôi nên đón nhận đa dạng về quan điểm”.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nỗ lực của Harvard nhằm tạo dựng môi trường học tập công bằng hơn đang bị phá hoại và đe dọa do bị chính quyền can thiệp thái quá. Ông Garber khẳng định: “Harvard sẽ không từ bỏ những nguyên tắc cốt lõi được pháp luật bảo vệ chỉ vì lo sợ bị chính phủ trả đũa một cách vô căn cứ. Tôi phải bác bỏ tuyên bố của bà rằng Harvard là một tổ chức mang tính đảng phái. Trường không thuộc về đảng Cộng hòa hay Dân chủ. Harvard không phải là cánh tay nối dài của bất kỳ đảng phái hay phong trào chính trị nào. Và sẽ không bao giờ là như vậy”.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chinh-quyen-tong-thong-trump-cat-them-450-trieu-usd-tien-tai-tro-cho-dai-hoc-harvard-20250514085819345.htm
Zalo