Chính quyền ông Trump rạn nứt
Những rạn nứt trong nội bộ chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng lộ rõ khi các tranh cãi về an ninh, thương mại và lòng trung thành có dấu hiệu leo thang.
Trong bối cảnh nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump bước vào giai đoạn mang tính chất then chốt đối với cuộc bầu cử giữa kỳ, chính quyền của ông đối mặt với những bất ổn nghiêm trọng từ bên trong, ABC News nhận định.
Tình trạng bất đồng, đấu đá nội bộ từng gây chú ý trong nhiệm kỳ đầu nay tái diễn, đe dọa làm suy yếu định hướng chính sách trong các lĩnh vực then chốt như thương mại, quốc phòng và an ninh quốc gia.
Dù chưa trở thành một chủ đề chính trên truyền thông, những dấu hiệu hỗn loạn trong hàng ngũ lãnh đạo cho thấy phong cách quản trị gây tranh cãi của ông Trump chưa có nhiều thay đổi.
Từ đó, giới quan sát nhận định rằng việc dung dưỡng sự cạnh tranh nội bộ và sử dụng bất ổn làm công cụ đàm phán vẫn là nét đặc trưng trong cách điều hành của người đứng đầu Nhà Trắng.
Lục đục về tài chính và an ninh
Một trong những tâm điểm mâu thuẫn hiện nay nằm ở Bộ Quốc phòng, nơi Bộ trưởng Pete Hegseth đang chịu áp lực từ nhiều phía. Ông bị cáo buộc chia sẻ thông tin về các cuộc không kích tại Yemen ngoài các kênh bảo mật chính thức. Một cựu phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông John Ullyot, viết trên Politico rằng ông Trump nên sa thải Hegseth vì đã để xảy ra “một cuộc khủng hoảng nội bộ toàn diện”.
Những thông tin rò rỉ cho thấy ông Hegseth đã tham gia hai nhóm trò chuyện để thảo luận về chiến dịch không kích, trong đó có một nhóm bao gồm cả vợ và người thân không thuộc chính phủ.
Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn bảo vệ vị bộ trưởng Quốc phòng do bản thân bổ nhiệm khi phát biểu tại sự kiện Easter Egg Roll: “Vẫn những câu chuyện cũ thôi. Ông ấy đang làm rất tốt”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt cũng lên tiếng ủng hộ ông Hegseth, đồng thời chỉ trích những người trong Lầu Năm Góc phản đối cải cách: “Đây là điều xảy ra khi cả một bộ máy hoạt động chống lại bạn và những thay đổi to lớn bạn đang cố gắng thực hiện”.

Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, không ít người lên tiếng chỉ trích lại chính là các cố vấn thân cận của ông Hegseth. Ba quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc bao gồm Dan Caldwell, Colin Carroll và Darin Selnick đã cho rằng họ bị "bôi nhọ danh dự một cách vô căn cứ" sau khi bị buộc phải rời vị trí.
Một lĩnh vực khác cũng gây nhiều căng thẳng trong nội bộ là chính sách thuế nhập khẩu. Tổng thống Trump kiên quyết sử dụng thuế quan như công cụ tái cân bằng kinh tế toàn cầu song chính sách này lại làm dấy lên bất đồng giữa các cố vấn cấp cao.
Tỷ phú Elon Musk, người hiện cố vấn cho ông Trump về việc tinh giản bộ máy liên bang, đã công khai chỉ trích cố vấn thương mại Peter Navarro là “trì độn hơn một bao gạch”. Ông cho rằng chính sách thuế sẽ khiến một loạt doanh nghiệp chịu thiệt hại do chi phí tăng cao.
Đáp trả, ông Navarro cáo buộc tỷ phú Musk “bảo vệ lợi ích cá nhân” và gọi Tesla là “một xưởng lắp ráp xe phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu”.
"Kiến trúc sư trưởng" của chính sách thuế quan đối ứng cũng khẳng định sẽ không có bất kỳ đàm phán nào liên quan đến thuế quan, trái ngược với tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent rằng đây là một công cụ đem về lợi thế cho Mỹ trên bàn đàm phán.
Tranh cãi giữa hai ông Musk và Navarro đã trở nên công khai. Tuy vậy, Karoline Leavitt vẫn đánh giá thấp tầm quan trọng của sự việc và nói: “Đàn ông thì hay đấu khẩu. Mọi người nên biết rằng đây là chính quyền minh bạch nhất trong lịch sử”.

Peter Navarro, kiến trúc sư trưởng đằng sau chính sách thuế quan đối ứng do chính quyền Tổng thống Trump công bố. Ảnh: Reuters.
Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chính sách thuế được cho là phản ánh sự thiếu nhất quán về định hướng trong chính quyền ông Trump.
John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia, nhận định: “Điều duy nhất họ có điểm chung là lòng trung thành với ông Trump. Nhưng điều đó không chứng minh họ là những người nghiêm túc”.
Nhân tố Loomer
Một nhân tố khác gây xáo trộn hệ thống chính quyền là Laura Loomer, nhân vật cực hữu nổi tiếng với nhiều tuyên bố gây tranh cãi. Bà Loomer đã xuất hiện tại Phòng Bầu dục để chất vấn độ trung thành của các quan chức an ninh. Một số người trong số này đã bị sa thải ngay sau đó, theo ABC News.
“Các cố vấn không hề hòa thuận”, bà Loomer nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo độc lập Tara Palmeri. “Lãnh đạo các cơ quan cũng chẳng ưa nhau”. Bà cũng tuyên bố sẽ trực tiếp báo với tổng thống về những quan chức mà bà cho là “kẻ thù của Trump”.
Bà Loomer từng đồng hành cùng Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử năm ngoái. Bà cũng từng từng tuyên bố vụ khủng bố 11/9 là “dàn dựng,” theo New York Times.
Sau chiến thắng của ông Trump, bà Loomer tiếp tục vận động để được tham gia quá trình lựa chọn nhân sự chính quyền.
Hồi giữa tháng 4, bà Loomer công khai chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Bessent vì mời một người “ghét Trump” hợp tác trong chương trình giáo dục tài chính. Tỷ phú Musk chia sẻ bài viết của bà Loomer trên mạng xã hội và bình luận: “Thật đáng lo ngại”.

Nhà hoạt động chính trị Laura Loomer. Ảnh: Reuters.
Những hành động của bà Loomer được cho là đang đặt ra thách thức lớn với Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles, gười từng được ông Trump ca ngợi là “điều phối viên lạnh lùng”. Giới quan sát đánh giá rằng nếu không kiểm soát được các nhân vật có xu hướng cực đoan như bà Loomer, bộ máy của ông Trump sẽ càng rơi vào khủng hoảng.
Tình hình hiện nay đặt ra câu hỏi lớn về khả năng duy trì sự ổn định trong chính quyền Tổng thống Trump khi ông tiếp tục theo đuổi các cải cách mạnh mẽ. Dù người đứng đầu Nhà Trắng vẫn luôn thể hiện sự ưa chuộng môi trường cạnh tranh nội bộ, song các mâu thuẫn ngày càng công khai và sâu sắc đang làm xói mòn khả năng thực thi chính sách thống nhất.