Chính quyền, doanh nghiệp ở TP.HCM cùng ứng phó linh hoạt để giữ nhịp tăng trưởng
Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của TP.HCM. Tuy nhiên, Thành phố vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 8%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt thích ứng và Thành phố có giải pháp làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.
Không đẩy hết thuế cho người tiêu dùng
Công ty TNHH Minh Phát 2 có 90% sản phẩm chế biến gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Vì vậy, việc Mỹ áp thuế đối ứng sẽ khó khăn cho doanh nghiệp, do nhiều đơn hàng đã ký hết đến tháng 9/2025.
Tuy Mỹ đang hoãn thời hạn Thuế Đối ứng 46% với Việt Nam nhưng với mức thuế doanh nghiệp này phải chịu khi xuất sang thị trường Mỹ là 10% (từ ngày 9/4/2025) cũng đã gây khó khăn.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Minh Phát 2 cho biết, doanh nghiệp đang trao đổi với các nhà nhập khẩu, nhà phân phối để chia sẻ chi phí này.
“Chủ trương của nhà máy là thuế chia ra làm 3, nhà máy chịu 1 phần, nhà nhập khẩu hàng chịu 1 phần, khách mua hàng cuối cùng 1 chịu 1 phần. Khi nào, khách có đặt vấn đề khác thì mình mới tính. Vấn đề là không thể đẩy hết mức thuế này cho người tiêu dùng được. Vì vậy để giữ sức mua thì mỗi bên chịu 1 phần thuế và như vậy thì doanh nghiệp vẫn còn sống được”, ông Hiệp nói.

Một số doanh nghiệp đang hướng tới đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (Ảnh HaWa )
Còn ông Nguyễn Chánh Phương- Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng không quá bi quan trước việc Mỹ áp thuế này mà cho rằng, điều này tạo áp lực để doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất.
Ông Phương ví dụ, hiện nay sản phẩm chế biến gỗ của doanh nghiệp Việt Nam bán cho nhà mua hàng là khoảng 100 USD/sản phẩm. Sau đó, họ bán ở thị trường Mỹ là từ 300- 400 USD/sản phẩm.
Trong trường hợp Mỹ áp mức thuế đối ứng cao, nếu tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi hệ thống phân phối đều chia sẻ thuế này thì sẽ có hướng giải quyết. Trong đó, nhà sản xuất của Việt Nam chịu 1/3 hoặc 1/4 thuế này, bên trong chuỗi cung ứng sẽ tăng thêm 5-7% chi phí và giá thành bán ra tăng 5- 10%.
Nếu như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm lợi nhuận, buộc phải tái cơ cấu lại sản xuất, nâng sức cạnh tranh.
“Đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng năng suất, cơ hội xem lại chuỗi cung ứng, cơ hội giảm lại hao hụt trong sản xuất. Tác động của thuế này là có, nhưng không phải đến mức doanh nghiệp phải “chết”. Vì vậy, chúng ta không phải đàm phán bằng mọi giá. Tuy nhiên, điều mà không chỉ doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và nhiều ngành khác đang lo đó là sức mua của thị trường xuất khẩu sẽ giảm”, ông Phương chia sẻ.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ chia sẻ thuế đối ứng với đối tác trong chuỗi phân phối để hạn chế tăng giá thành đến tay người mua cuối cùng (Ảnh HaWa )
Làm mới động lực tăng trưởng truyền thống
Trước khó khăn và thách thức này, TP.HCM đang làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như: xuất nhập khẩu, đầu tư, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như sản xuất xanh, chuyển đổi số.
Bà Nguyễn Trúc Vân - Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế, xã hội thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp Thành phố cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đang thực thi, tăng xuất khẩu sang EU và phát triển chuỗi cung ứng nội khối ASEAN – RCEP – CPTPP.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thành phố tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công và chi tiêu công, kích cầu tiêu dùng nội địa và du lịch. Tập trung vào các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa quy mô lớn, hỗ trợ chi tiêu cho người dân và thúc đẩy mua sắm hàng Việt.
Điều quan trọng nhất là cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, tìm nguồn nguyên liệu ở nơi khác.
“Chúng ta tăng cường về kiểm soát gian lận về xuất xứ hàng hóa, trọng tâm là hàng chuyển tải từ nước thứ 3 qua Việt Nam để minh bạch chuỗi giá trị, cung ứng hàng xuất khẩu qua Mỹ. Đồng thời, xây dựng chuỗi dữ liệu doanh nghiệp FDI xuất hàng qua Việt Nam xuất khẩu, để phục vụ cho việc kiểm soát minh bạch và chống gian lận nguồn gốc xuất xứ”- bà Vân nói.
Lúc đầu, thông tin việc Mỹ áp thuế đối ứng quá cao đã tạo cú sốc với không ít doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp ở TP.HCM đã bình tĩnh, bắt đầu linh hoạt thích ứng với những biến đổi đột ngột này. Nhiều doanh nghiệp có giải pháp cho những bước đi ngắn hạn để ổn định sản xuất, kinh doanh. Về giải pháp lâu dài, doanh nghiệp cũng đa dạng thị trường xuất khẩu, tìm nguồn cung nguyên liệu.