Giá vàng miếng SJC lập đỉnh gần 115 triệu đồng/lượng
Giá vàng quốc tế tăng lên trên 3.296 USD/ounce khi sức khỏe đồng đôla Mỹ suy yếu, kéo theo vàng miếng SJC lên 112-114,5 triệu đồng/lượng (mua-bán), mức cao nhất từ trước đến nay.
Vàng quốc tế tăng cao, kéo giá vàng miếng SJC trong nước lên kỷ lục mới sát ngưỡng 114 triệu đồng/lượng vào đầu giờ chiều ngày 16/4 khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 111,4-113,9 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng thêm gần 5 triệu đồng/lượng so với hôm qua và tăng 11 triệu đồng/lượng chỉ trong một tuần qua.
Đây là mức tăng kỷ lục trong thời gian gần đây của vàng miếng SJC, chỉ trong một buổi sáng giá vàng đã tăng 4 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tăng lên 110,2-113,3 triệu đồng/lượng (mua-bán), song so với vàng miếng, giá vàng nhẫn vẫn tăng chậm hơn.

Giá vàng miếng SJC lập đỉnh gần 115 triệu đồng/lượng khi vàng quốc tế lên gần 3.300 USD/ounce.
Tuy nhiên, giới phân tích khuyến cáo rằng, một khi giá vàng tăng quá nóng sẽ khó tránh quay đầu.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giá vàng có thể rơi do các nhà đầu tư sẽ có giai đoạn chốt lời. Giá vàng đang neo rất cao và từ thời điểm này, việc chốt lời của nhà đầu tư có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều này đồng nghĩa với việc giá vàng có thể rơi bất cứ lúc nào. Dự đoán, giá vàng có thể giảm về dưới 2.900 USD/ ounce ngay trong ngắn hạn 1-2 tuần tới.
Thế nhưng, trước sức nóng của vàng quốc tế lan tỏa hiện nay đã khiến giá vàng miếng trong nước liên tục tăng.
Giới phân tích tài chính cho rằng, sở dĩ giá vàng thế giới tăng mạnh trong hai ngày nay nhờ USD yếu, bất ổn thuế quan. Vàng được xem là hầm trú ẩn an toàn trong bối cảnh kế hoạch thuế quan không chắc chắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các nhà đầu tư lo ngại. Các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng mua vàng. Thêm vào đó, USD yếu hơn cũng hỗ trợ thị trường vàng.
Sức khỏe của đồng đô la Mỹ suy yếu khi chỉ số USD-Index vẫn đứng ở mức 99,93 điểm trong phiên sáng nay, chưa lấy lại được ngưỡng 100 điểm. Đồng bạc xanh của Mỹ từ đầu tuần đến nay gần như đi ngang sau đợt bán tháo mạnh tuần trước. Đồng thời, thị trường tài chính dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất vào tháng 6/2025 sau khi tạm dừng cắt giảm đầu năm nay và các dự báo đưa ra, nhiều người cho rằng khả năng giảm lãi suất tổng cộng 1% trong năm nay.
Chính yếu tố trên đã đẩy giá mặt hàng kim quý vàng tăng vọt trong thời gian gần đây. Đà tăng của giá vàng một phần cũng phản ánh sự suy yếu kéo dài của USD. Vàng được xem là một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính. Giá vàng đã tăng hơn 20% tính từ đầu năm 2025 và nhiều lần lập đỉnh kỷ lục.
Với diễn biến của đồng đô la Mỹ và thương chiến toàn cầu gia tăng, giới phân tích tài chính cho rằng, giá mặt hàng kim quý vàng còn triển vọng tăng. Goldman Sachs cho rằng, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương có thể lên trung bình 80 tấn/tháng năm nay, trong khi ước tính cũ của họ là 70 tấn. Các chuyên gia cho biết, rủi ro suy thoái kinh tế tăng lên sẽ khiến các quỹ ETF vàng tăng mua.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng, diễn biến giao dịch gần đây cho thấy nhu cầu trú ẩn của nhà đầu tư đang tăng trong bối cảnh nguy cơ suy thoái cao lên và giá các tài sản rủi ro đi xuống. Hiện tại, Goldman Sachs dự báo xác suất Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới là 45%. Nếu kịch bản này xảy ra, các quỹ ETF vàng sẽ tăng tốc mua vào và kéo giá lên 3.880 USD/ounce cuối 2025.