Chinh phục Bàn Cờ Tiên

Lần đầu chinh phục đỉnh núi Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) có Bàn Cờ Tiên thật thú vị. Nếu có dịp, các bạn hãy đến đây tham quan một lần nhé!

Nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo hoạt động trải nghiệm tháng này của lớp là đi dã ngoại ở Côn Sơn (Chí Linh) tôi rất háo hức. Đây là lần thứ hai tôi được đến Côn Sơn. Lần đầu tôi đến đây cùng gia đình vào mùa thu. Lần này đặc biệt hơn vì tôi đến Côn Sơn vào mùa xuân lại còn được đi với các bạn cùng lớp. Tôi nhất định sẽ chinh phục Bàn Cờ Tiên trên đỉnh núi Côn Sơn.

Từ sáng sớm, mẹ đã chuẩn bị cho tôi áo thật ấm. Vì háo hức được đi dã ngoại ở một nơi xa nên không bạn nào trong lớp tôi thấy rét.

Xe ô tô bon bon qua những con đường rộng thênh thang. Hai bên là rừng thông um tùm, vi vút. Chỉ mất khoảng 40 phút, chúng tôi đã tới Côn Sơn.

Qua cổng bán vé, bạn nào cũng hướng ánh mắt ra ngoài ngắm khung cảnh thiên nhiên yên bình của khu di tích. Đầu xuân, Khu di tích Côn Sơn đón rất nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái. Bên những hàng thông già, nhiều vị khách tranh thủ chụp những bức ảnh đẹp mùa xuân nơi đây.

Chúng tôi đi theo hai hàng vào chùa Côn Sơn làm lễ. Nghe cô chủ nhiệm kể về lịch sử ngôi chùa cổ, chúng tôi chăm chú lắng nghe. Chùa Côn Sơn mang vẻ đẹp thâm trầm, cổ kính. Cô giáo bảo, chùa có nhiều công trình giàu giá trị lịch sử văn hóa từ thời Trần, Lê như: Cửu phẩm Liên hoa, tượng Phật Bà Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt và nhiều pho tượng mang những vẻ đẹp khác nhau...

Lần này, đến Côn Sơn chúng tôi được biết khá nhiều kiến thức về khu di tích đặc biệt này.

Sau khi lễ chùa, chúng tôi được trải nghiệm leo núi. Cô giáo dặn dò chúng tôi rất kỹ và chia thành từng nhóm nhỏ để đi cùng, hỗ trợ nhau khi cần thiết.

Đường lên núi Côn Sơn mùa này thật đẹp. Hai bên là rừng thông và dọc đường trồng rất nhiều hoa cúc, hoa sen đất.

Vừa đi, chúng tôi vừa tìm hiểu về các loại cây đặc trưng sinh sống và phát triển ở rừng này. Suối Côn Sơn mùa xuân cạn, những hòn đá to, nhỏ lổn nhổn lộ rõ chứ không chìm dưới làn nước suối trong mát như đợt tôi đến vào mùa thu.

Đường lên Bàn Cờ Tiên càng cao sương mù càng dày đặc. Những bậc đá cao thấp dẫn chúng tôi lên đỉnh núi. Hai bên đường vẫn là những hàng cây cổ thụ, chủ yếu là cây thông, tre, trúc.

Leo núi thấm mệt, thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại nghỉ, nghe cô giáo kể về sự tích Bàn Cờ Tiên. Cô bảo, nơi đây không gian yên tĩnh, cảnh đẹp nên các bậc thần tiên từ trên trời thường xuống đánh cờ. Một sớm mùa thu, các thi nhân rẽ cỏ, vén hoa tìm lên đỉnh núi. Gần tới nơi thì nghe thấy có tiếng đàn, tiếng sáo văng vẳng nhưng đến nơi thì không một bóng người, chỉ thấy có một bàn cờ đang đánh dở. Mọi người cho rằng các vị thần tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, khi thấy tiếng người vội bay về trời. Vì khi lên đến đỉnh núi, quả thật tôi thấy có một bàn đá mà nhiều người thường gọi là Bàn Cờ Tiên. Màn sương mờ ảo trên đỉnh núi và nhớ lại câu chuyện cô giáo vừa kể tôi như thấy lạc vào miền tiên cảnh.

Ngoài bàn cờ đá, trên đỉnh núi còn có một ngôi nhà nhỏ ghi là Am Bạch Vân. Nghe nói đây là nơi tụng kinh, tu thiền thuyết pháp và là nơi các đạo sĩ tu tiên luyện đan.

Lần đầu leo đến đỉnh núi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng mùa xuân mờ mờ trong sương thật thú vị. Nếu lên đỉnh núi vào mùa hè hoặc những ngày không sương, ít mây chắc sẽ nhìn được quang cảnh dưới núi đẹp thế nào.

Tôi đã thỏa được ước nguyện một lần chinh phục đỉnh núi Côn Sơn và được trải nghiệm ngồi đánh cờ như các bậc thần tiên trên đỉnh núi này. Nếu có dịp các bạn hãy đến đây tham quan nhé!

NGUYỄN VĂN VINH (Lớp 7A, Trường THCS Bình Minh, TP Hải Dương)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chinh-phuc-ban-co-tien-404998.html
Zalo