Chính phủ yêu cầu khai thác tối đa điện gió, điện mặt trời
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các giải pháp bảo đảm cung ứng điện năm 2024. Trong đó, cụ thể hóa giải pháp cho các nguồn điện và ưu tiên khai thác tối đa nguồn điện gió, mặt trời có sẵn.
Thường trực Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo kịch bản xây dựng của Bộ Công thương và EVN báo cáo, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,0-6,5%, trong điều kiện tổng nguồn chỉ có từ 50.000MW đến tối đa là 52.000MW.
Sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước
Để thực hiện kịch bản này, Thường trực Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện với EVN.
"Việc này nhằm tận dụng khai thác tối đa các nguồn điện có sẵn, tránh lãng phí trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công khai, minh bạch, không tiêu cực, lợi ích nhóm", kết luận nêu rõ.
Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu EVN chủ trì cùng Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan liên quan tính toán, cân đối sử dụng tối đa các nguồn điện trong nước. Có thể tính toán mua điện trực tiếp từ Lào, Trung Quốc, nhưng phải dự báo chính xác.
Về nguồn thủy điện, Chính phủ giao các đơn vị có liên quan điều hành linh hoạt việc tích giữ, sử dụng nước phù hợp với tình hình thực tế; Bảo đảm khai thác tối đa công suất phát điện vào thời gian cao điểm mùa hè (tháng 5, tháng 6 hằng năm) và có tính toán dự phòng cao nhất trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.
Xử lý dứt điểm điện than chậm tiến độ
Hiện nay, nhiệt điện than vẫn chiếm gần 50% sản lượng điện toàn hệ thống. Do đó, tại bản kết luận này, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện từ nguồn này.
Cụ thể, với nguồn than cấp cho các nhà máy nhiệt điện, Thường trực Chính phủ yêu cầu các đơn vị liên quan tính toán, xác định nhu cầu và kế hoạch cung ứng đủ than cho sản xuất điện năm 2024.
Trên cơ sở đó, TKV, Tổng công ty Đông Bắc phải khai thác tối đa nguồn than trong nước để cung cấp đủ than cho sản xuất điện năm 2024, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Về việc đề xuất khai thác vượt công suất 15% sản lượng của TKV, Thường trực Chính phủ giao Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, UBQLV, TKV và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền và quy định pháp luật trong tháng 11/2023.
Còn đối với chủ đầu tư các nhà máy điện than trong cả nước, đặc biệt là tại miền Bắc, Thường trực Chính phủ yêu cầu có kế hoạch kiểm tra, sửa chữa, bảo trì phù hợp... để hạn chế tối đa các sự cố tổ máy trong những tháng cao điểm.
Bộ Công thương, UBQLV, EVN cũng được yêu cầu thống kê lại các dự án BOT chậm tiến độ để có nguồn thay thế bổ sung phù hợp, xử lý dứt điểm vấn đề này trước ngày 15/11.
"Quá hạn theo quy định thì dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc chấm dứt hợp đồng. Việc này ta phải nắm quyền chủ động", Thường trực Chính phủ lưu ý.
Hiện 85 dự án, nhà máy/phần nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, có 77 nhà máy, phần nhà máy điện gió, với tổng công suất 4.185,4MW và 8 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời tổng công suất 506,66MW. Trong số này, 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất gần 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.
Theo EVN, đến nay, số lượng dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp đã gửi hồ sơ cho Công ty mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện là 81/85 dự án, với tổng công suất 4.597,86 MW.
Trong số này, 69 dự án với tổng công suất 3.927,41MW đề nghị áp giá tạm (ngưỡng 1.587 đồng với điện gió trên bờ và 1.816 đồng/kWh với điện gió trên biển) để vận hành thương mại trước khi đàm phán được giá chính thức. Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 62 dự án, tổng công suất 3.399,41MW. Song, mới có 21 nhà máy, hoặc phần nhà máy hoàn thành thủ tục vận hành thương mại để phát điện lên lưới với sản lượng điện gần 761,7 triệu kWh.