Chính phủ yêu cầu các bộ ngành báo cáo về 'siêu' dự án chống ngập sau kiến nghị của TP.HCM

Chiều 02/10/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7083/VPCP-NN về việc lấy ý kiến hỏa tốc đối với báo cáo của TP.HCM về phương án tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM...

Văn phòng Chính phủ gửi công văn hỏa tốc đến các bộ, ngành yêu cầu phản hồi gấp báo cáo và kiến nghị của Chủ tịch UBND TP.HCM về giải pháp tháo gỡ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Văn phòng Chính phủ gửi công văn hỏa tốc đến các bộ, ngành yêu cầu phản hồi gấp báo cáo và kiến nghị của Chủ tịch UBND TP.HCM về giải pháp tháo gỡ dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Công văn hỏa tốc của Văn phòng Chính phủ gửi đến các bộ, ngành: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng BIDV.

Cụ thể nội dung như sau: Văn phòng Chính phủ nhận được Báo cáo số 271/BC-UBND ngày 24/9/2024 của Ủy ban nhân dân TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Để có đủ cơ sở tổng hợp, báo cáo trước ngày 05/10/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ kính đề nghị các Bộ, cơ quan khẩn trương có ý kiến cụ thể bằng văn bản đối với nội dung Báo cáo, giải pháp tháo gỡ và cơ sở pháp lý, thẩm quyền giải quyết đối với những vấn đề vướng mắc được nêu tại Báo cáo nêu trên của Ủy ban nhân dân Thành phố, gửi về Văn phòng Chính phủ trước 17 giờ ngày 03/10/2024.

TP.HCM báo cáo và kiến nghị Chính phủ giải pháp tháo gỡ “siêu” dự án chống ngập

Trước đó, tại báo cáo số 271/BC-UBND ngày 24/9/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai dự án giải quyết chống ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 (quen gọi là “siêu” dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), tiến độ thi công dự án, các khó khăn của dự án trong quá trình triển khai từ năm 2015 đến nay; đồng thời lãnh đạo Thành phố cũng kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.

Hai kiến nghị quan trọng liên quan đến thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án và phương án giải ngân nguồn vốn, đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM nêu ra như sau:

Một là, thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán.

Hai là, sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót nêu tại Điều 1 Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/4/2021. “Đây chính là cơ sở để Thành phố có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.

Xuân Nghi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chinh-phu-yeu-cau-cac-bo-nganh-bao-cao-ve-sieu-du-an-chong-ngap-sau-kien-nghi-cua-tp-hcm.htm
Zalo