Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Ngày 24/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Báo cáo tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, mục đích của việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; giúp bảo đảm tốt hơn quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Theo ông Quang, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phải thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp; tuân thủ Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm các quy định của Luật có tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tình hình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; kế thừa các quy định còn phù hợp điều chỉnh lĩnh vực này của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP); phù hợp với các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật của một số nước về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Bên cạnh đó, Luật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài.

Dự thảo Luật gồm 4 chương, 45 điều. So với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật sửa đổi 14 điều, xây dựng mới 18 điều, bỏ 5 điều và 2 quy định.

Ông Quang thông tin, dự thảo Luật tập trung vào các nội dung cơ bản như: về thẩm quyền xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân khu vực nơi người được đề nghị chuyển giao có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam quyết định tiếp nhận. Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam của người được đề nghị chuyển giao hoặc người được đề nghị chuyển giao không thường trú tại Việt Nam thì Tòa án nhân dân khu vực nơi đặt trụ sở của Cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Việt Nam quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam.

Về thẩm quyền xem xét chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài, dự thảo Luật quy định Tòa án nhân dân khu vực nơi người nước ngoài đang chấp hành án phạt tù quyết định việc chuyển giao.

Để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam được về Việt Nam tiếp tục chấp hành án phạt tù cũng như phù hợp với hầu hết các hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù mà Việt Nam là thành viên, trong trường hợp Việt Nam là nước nhận, dự thảo Luật bỏ quy định về người đang chấp hành án phạt tù có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam và quy định thời hạn còn lại tiếp tục thi hành án ít nhất 6 tháng trong trường hợp đặc biệt. Đây là các nội dung mới so với Luật TTTP. Cùng với đó, dự thảo Luật quy định Chính phủ quy định chi tiết trường hợp đặc biệt nếu thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít hơn một năm.

Về trình tự, thủ tục xem xét quyết định tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật kế thừa cơ bản các quy định của Luật TTTP. Tuy nhiên, thay vì Hội đồng gồm 3 thẩm phán xem xét, quyết định việc tiếp nhận hoặc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định việc xem xét, quyết định tiếp nhận hoặc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù do 1 Thẩm phán tiến hành. Đồng thời, bổ sung quy định thẩm quyền của Thẩm phán xem xét, quyết định chuyển đổi hình phạt tù trong quá trình xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam; bổ sung thời điểm có hiệu lực của quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù.

Ông Quang cũng khẳng định, dự thảo Luật thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực (hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, đặc xá) và các lĩnh vực có liên quan đến nội dung dự thảo Luật.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp của Quốc hội bày tỏ quan điểm tán thành sự cần thiết xây dựng Luật và cho rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm yêu cầu đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.

Đồng thời, Ủy ban này cũng đề nghị, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bám sát quá trình sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tương trợ tư pháp là Luật Dẫn độ, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và một số dự án luật khác đang trình Quốc hội xem xét, thông qua, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự để kịp thời cập nhật, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-du-an-luat-chuyen-giao-nguoi-dang-chap-hanh-an-phat-tu-10306506.html
Zalo