Chính phủ 'thân phương Tây' thất bại, Bulgaria nguy cơ phải bầu cử sớm
Quá trình đàm phán chuyển giao quyền lực giữa 2 khối chính trị lớn nhất Bulgaria đã trở thành cuộc tranh cãi mang tính đảng phái về các vấn đề.
Bulgaria có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng mới sau khi 2 chính đảng lớn nhất đang cầm quyền không thể thành lập một chính phủ đoàn kết để đưa quốc gia nghèo nhất Liên minh châu Âu vượt qua tình trạng bất ổn chính trị.
Thủ tướng được chỉ định của Bulgaria, Mariya Gabriel, hôm 25/3 đã hủy bỏ nỗ lực thành lập Nội các mới. Quyết định của bà đã được thông qua sau một vòng bỏ phiếu tại Quốc hội Bulgaria hôm 26/3, đưa quốc gia Đông Nam Âu tới gần hơn với một cuộc bầu cử sớm.
Nếu cuộc bầu cử sớm được kích hoạt, sớm nhất là vào tháng 6 tới, đây sẽ là cuộc bầu cử thứ 6 ở Bulgaria chỉ trong hơn 3 năm.
Bất ổn chính trị có nguy cơ làm trì hoãn thêm mục tiêu gia nhập Khu vực đồng Euro (Eurozone) đã bị trì hoãn từ lâu của Bulgaria vào năm tới, và có thể cản trở viện trợ quân sự rất cần thiết cho Ukraine, trong bối cảnh các lực lượng thân Nga và chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng.
Trước đó, sau cuộc bầu cử hồi tháng 4 năm ngoái, để chấm dứt vòng xoáy bầu cử thường đưa đến kết quả bế tắc, khối cải cách “thân phương Tây”, bao gồm Đảng We Continue the Change (PP) và Đảng Dân chủ Bulgaria (DB) do cựu Thủ tướng Kiril Petkov lãnh đạo đã đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với khối chính trị do Đảng GERB trung hữu của cựu Thủ tướng Boyko Borissov dẫn dắt.
Thủ tướng Bulgaria Nikolay Denkov, người đại diện PP-DB điều hành Nội các liên minh cho đến ngày 5/3, đã từ chức để nhường chỗ cho bà Gabriel của GERB-UDF như một phần của thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Nhưng 2 bên đã thất bại trong nỗ lực đạt được sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ, và thay vào đó lại cáo buộc nhau “phá hoại” các cuộc đàm phán. Quá trình đàm phán kéo dài 2 tuần đã trở thành cuộc tranh cãi mang tính đảng phái về các vấn đề liên quan đến cải cách tư pháp, vị trí lãnh đạo cho các cơ quan an ninh và Nội các mới của bà Gabriel.
Cựu Thủ tướng Borissov bị lật đổ vào năm 2021 trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống tham nhũng. Sự ra đi của ông Borissov đã nhường chỗ cho một chuỗi các liên minh mong manh và các Nội các lâm thời khi người dân Bulgaria liên tục phải đi bỏ phiếu.
Cựu Thủ tướng Petkov giờ đây sẽ có cơ hội thành lập Nội các mới, nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ GERB-UDF của ông Borissov thì PP-DB sẽ không có đủ sự ủng hộ cần thiết. Một nỗ lực không thành công khác sẽ cho phép Tổng thống Bulgaria Rumen Radev chọn phe thứ 3 cho nỗ lực thành lập chính phủ cuối cùng trước khi lên lịch bầu cử sớm cho quốc gia thành viên EU-NATO này.
Minh Đức (Theo Bloomberg, AP)