Chính phủ sẽ quy định việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, nhân sự cấp xã

Sau khi các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, Bộ Nội vụ dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế/1 xã, phường, đặc khu (bao gồm khối Đảng, đoàn thể và chính quyền).

Cả nước còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cả nước còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP thông qua 34 hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (sau sắp xếp, nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh), cả nước còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2636 xã, 672 phường và 13 đặc khu. Như vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm 6.714 đơn vị so với số lượng ban đầu là 10.035 đơn vị.

Trong các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp có 3.193 đơn vị hành chính cấp xã hình thành mới do sáp nhập, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã và 128 đơn vị hành chính giữ nguyên.

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 cũng đưa ra một số hướng dẫn việc tổ chức chính quyền địa phương cấp xã.

Mỗi xã dự kiến bình quân 60 biên chế

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp xã, Hội đồng nhân dân cấp xã sẽ thành lập 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế-Xã hội.

Về chức vụ, chức danh và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã gồm: Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch; Trưởng ban và 1 Phó Trưởng ban Ban Pháp chế, Ban Kinh tế-Xã hội; các đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp xã.

Việc bố trí chức danh chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp xã gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và Ủy viên theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi).

Việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Về phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Bộ Nội vụ cho biết chuyển biên chế cấp huyện hiện nay để bố trí biên chế cho đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay nghiên cứu để cơ bản bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị hành chính cấp xã mới; có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã.

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết biên chế cấp xã (xã, phường, đặc khu trước mắt cơ bản giữ nguyên biên chế hiện có của cấp huyện, cấp xã hiện nay để bố trí cho cấp xã mới (trừ cán bộ, công chức cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định xin nghỉ thôi việc).

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, sau khi các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, tạm thời dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế/1 xã, phường, đặc khu (bao gồm biên chế khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương cấp xã).

Sắp xếp các cơ quan y tế, giáo dục

Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hiện nay để chuyển giao, thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, theo đó dự kiến phương án tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

Đối với lĩnh vực giáo dục sẽ giữ nguyên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hiện nay dự kiến chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo địa bàn khu vực (liên xã, phường).

 Các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập sẽ giữ nguyên và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non công lập sẽ giữ nguyên và chuyển giao cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với lĩnh vực y tế thì duy trì các Trạm Y tế xã, phường hiện có để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Căn cứ vào diện tích, quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã mới có thể tổ chức lại thành 1 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, nhưng trước mắt các Trạm y tế cũ bố trí làm các "điểm trạm" phục vụ việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại địa bàn ở đơn vị hành chính cấp xã (cũ).

Đối với các Trung tâm Y tế, bệnh viện đa khoa thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hiện nay dự kiến chuyển về Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo địa bàn khu vực (liên xã, phường).

Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công khác trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Về nhân sự các cơ quan giáo dục và y tế khi sắp xếp, tại công văn số 2034/BNV-TCBC trước đó, Bộ Nội vụ cho biết viên chức giáo dục và y tế không nằm trong phương án giảm 20% biên chế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự

Để sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện Đề án tại địa phương, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công, phương án sắp xếp, bố trí nhân sự) để triển khai ngay khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.

 Cán bộ, công chức dự kiến bố trí làm việc tại các xã mới đều là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và thuộc đối tượng áp dụng theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cán bộ, công chức dự kiến bố trí làm việc tại các xã mới đều là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và thuộc đối tượng áp dụng theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, với việc triển khai chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính để hình thành các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới, các địa phương cần tập trung cao cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự; chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương sau sắp xếp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định việc chỉ định, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở địa phương sau sắp xếp; thực hiện tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động từ việc sắp xếp; thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tác động sau sắp xếp, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý cần chú trọng duy trì tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong thời gian chuyển tiếp, bảo đảm mọi nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn được thực hiện liên tục, hiệu quả, không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-se-quy-dinh-viec-to-chuc-cac-co-quan-chuyen-mon-nhan-su-cap-xa-post1038068.vnp
Zalo