Chính phủ Pháp hỗ trợ nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên
Sau hơn 120 năm khai thác, sử dụng và hai cuộc chiến tranh, mặc dù đã trải qua nhiều lần sửa chữa, nhưng cầu Long Biên không tránh khỏi tình trạng xuống cấp theo thời gian.
Cuối năm 2023, Chính phủ Pháp quyết định cấp cho thành phố Hà Nội khoản viện trợ không hoàn lại hơn 700.000 Euro để thực hiện nghiên cứu khả thi phương án cải tạo cầu Long Biên. Từ trung tuần tháng 10, dự án đã chính thức triển khai những khảo sát sơ bộ ban đầu.
Mặt cầu chắp vá. Các thanh tà vẹt lung lay. Vậy mà, mỗi giờ cây cầu phải gánh gần 5.000 lượt xe máy, chưa kể 30 lượt tàu hỏa qua mỗi ngày.
Anh Trần Ngọc Quang, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, chia sẻ: "Cá nhân em cũng cảm nhận được là cầu rất yếu, vì khi đứng trên đây, mọi người đều thấy cầu rung chuyển. Chính quyền hay các đơn vị xây dựng cũng nên nghĩ cách xây dựng lại hoặc có cách gia cố nó để tránh những tình trạng xấu có thể xảy ra".
Trước thực trạng cầu yếu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu chỉ 15 km/h. Ông Tạ Quang Sơn – Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải, cho hay: "Hằng năm, công ty được đặt hàng duy tu một lần, bảo quản ba lần và tổ chức các đoàn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện những vị trí hư hỏng thì công ty cho tổ chức sửa chữa ngay. Năm 2014, ngành đường sắt đã có kế hoạch cải tạo đảm bảo an toàn giao thông từ năm 2014 - 2025".
Được xây dựng năm 1899 và hoàn thành năm 1902, sau hơn 120 năm, cầu Long Biên hiện chỉ còn 9 nhịp phía Hà Nội và 3,5 nhịp phía Gia Lâm còn giữ được kiểu dáng cũ. Các nhịp khác đều đã phải thay thế. Ngay sau khi Chính phủ Pháp có thư ngỏ hỗ trợ 700.000 Euro, tương đương gần 19 tỷ đồng để tư vấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nghiên cứu phương án cải tạo, sửa chữa cầu Long Biên, thành phố đã triển khai các thủ tục tiếp nhận theo quy định.
Ông Phan Trường Thành – Trưởng phòng kế hoạch tài chính – Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết: "Về quy trình ODA, thì chúng tôi phải triển khai chủ trương đầu tư, trình phê duyệt văn kiện dự án. Cách đây chưa đầy một tháng, đầu tháng vừa rồi thì chúng tôi đã chính thức thống nhất nội dung sau khi phối hợp với cơ quan Pháp và chính thức trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt văn kiện dự án".
Trung tuần tháng 10 vừa qua, đoàn chuyên gia Pháp đầu tiên phối hợp với đơn vị tư vấn và các bên liên quan của Bộ Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội đã tiến hành khảo sát đánh giá sơ bộ ban đầu.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Pháp tài trợ sẽ chia làm 3 hợp phần gồm: Hợp phần 1: khảo sát chi tiết tổng thể công trình, thu thập dữ liệu để đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian ngắn hạn; Hợp phần 2: kiểm định các kết cấu công trình để đề xuất phương án, giải pháp cải tạo phù hợp; Hợp phần 3 là nghiên cứu các công năng sử dụng công trình trong tương lai khi hình thành mạng lưới đường sắt thay thế tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện tại. Trong đó, riêng công tác khảo sát sẽ thực hiện trong 3 tháng và toàn dự án sẽ kết thúc vào tháng 9/2025.