Hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Bảo Lâm: Hiệu quả từ thi đua 'Dân vận khéo'
Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng huyện Bảo Lâm luôn xác định 'Dân vận khéo' là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực chính trị - xã hội, ở tất cả các cấp, các ngành, trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, đặt công tác dân vận của cả hệ thống chính trị tập trung hướng về cơ sở và đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận.
Phong trào thi đua yêu nước gắn với việc phát huy dân chủ của Nhân dân đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo", nhất là dân vận khéo trong phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống tội phạm, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, văn hóa lành mạnh… có tác dụng tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền; củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Từ khi phát động Phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào năm 2013 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân, Phong trào thi đua “Dân vận khéo" huyện Bảo Lâm trên các lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng lan tỏa mạnh mẽ ở các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương, với hơn 224 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong quản lý, bảo vệ rừng, trong phòng, chống tội phạm, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường… được biểu dương, khen thưởng; trong đó có 10 mô hình, điển hình xuất sắc tiêu biểu được UBND tỉnh tôn vinh, biểu dương, khen thưởng. Một số mô hình tiêu biểu như Mô hình: Tổ tự quản về An ninh trật tự trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện Mô hình “Khu dân cư tham gia phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng” của Công an huyện; Mô hình: “Tuần tra bảo vệ rừng kết hợp tuyên truyền, vận động lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, người dân, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và thi công các công trình sản xuất lâm nghiệp, nâng cao ý thức thu gom rác thải, bảo vệ môi trường” của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm; hay Mô hình Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Đoàn Thanh niên xã Lộc Thành. Về phát triển kinh tế hộ có mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng của hộ gia đình ông Vũ Quốc Ngữ, thôn Đức Giang 1, xã Lộc Đức; mô hình trồng rau mang hiệu quả kinh tế cao của hộ gia đình ông Đào Khắc Tuấn, Tổ 16, thị trấn Lộc Thắng; mô hình trồng rau, củ, quả bằng phương pháp khí canh trụ đứng của hộ gia đình ông Phạm Thế Tuấn ở Thôn 12 , xã Lộc Thành…
Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã mang lại những động lực mới, phát huy mọi nguồn lực của xã hội, trong Nhân dân gắn với yêu cầu của thực tiễn phát triển địa phương, đất nước, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân.
Qua thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã cho thấy, việc nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu về hiệu quả mang lại từ Phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Từ đó, định hướng nội dung trọng tâm trong từng giai đoạn, từng loại hình, từng địa phương, đơn vị phải thực sự hướng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực của người dân, tạo động lực để họ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội.
Theo Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Lâm, để Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực cho Nhân dân, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung trọng tâm.
Đó là tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về Phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, xác định Phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.
Xác định nội dung trọng tâm Phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng. Chú trọng ba Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận 21 về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở những nơi khó khăn, phức tạp, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có tôn giáo... Đồng thời giải quyết các điểm nóng phức tạp, bức xúc nổi cộm, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân.
Tăng cường nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn Phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả.
Từ thực tiễn Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong nhiều năm qua ở Bảo Lâm có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, một phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, được đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân hưởng ứng, tham gia, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.