Chính phủ Pháp đối mặt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Thủ tướng Pháp Michel Barnier và Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron có thể phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội do phe cực hữu khởi xướng. Động thái này diễn ra sau khi ông Barnier dự định dùng 1 điều khoản trong Hiến pháp để thông qua dự luật ngân sách an sinh xã hội.
Dự luật an sinh xã hội được đưa ra thảo luận tại Quốc hội Pháp vào chiều 2/12. Trước sự bế tắc chính trị, Thủ tướng Michel Barnier có thể dẫn điều 49.3 của Hiến pháp, cho phép Chính phủ thông qua luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. Trong trường hợp này, Quốc hội có quyền yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu tuyên bố sẽ khởi động thủ tục kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại chính phủ, trừ khi có "phép màu phút chót".
Hồi tuần trước, Thủ tướng Barnier đã hủy bỏ kế hoạch tăng thuế điện, nhưng đảng RN cũng muốn ông tăng lương hưu theo lạm phát, trong khi ông đã đặt mục tiêu tăng một số khoản lương hưu ít hơn lạm phát để tiết kiệm chi phí.
Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Antoine Armand, mới đây khẳng định Chính phủ sẽ không nhượng bộ trước những "tối hậu thư" từ đảng Tập hợp Quốc gia. Tuy nhiên, bế tắc chính trị đang làm gia tăng chi phí vay nợ của Pháp và Thủ tướng Michel Barnier đã cảnh báo về nguy cơ diễn ra một "cơn bão" trên thị trường tài chính nếu tình hình này không được giải quyết.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!