Chính phủ Macron sẽ thế nào sau cuộc đua tả hữu kịch tính?

Với màn lội ngược dòng ngoạn mục của liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) giành chiến thắng chung cuộc bầu cử quốc hội Pháp, tương lai chính trường nước này thời gian tới trở nên khó đoán.

Ngày 8-7, Bộ Nội vụ Pháp công bố kết quả vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội với chiến thắng bất ngờ của liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP).

Kết quả vòng 2 được đánh giá là bất ngờ và kịch tính, khi vòng 1 chứng kiến sự thắng thế áp đảo của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) và các cuộc thăm dò trước bầu cử cũng nhận định RN sẽ giành chiến thắng chung cuộc.

Cuộc bầu cử kịch tính và kết quả chung cuộc với chiến thắng thuộc về liên minh cánh tả NFP đưa chính trường Pháp bước vào giai đoạn khó đoán định khi không đảng nào chiếm đa số tuyệt đối.

 Kiểm phiếu vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội Pháp ở cộng đồng Schiltgheim (Pháp) ngày 7-7. Ảnh: AP

Kiểm phiếu vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội Pháp ở cộng đồng Schiltgheim (Pháp) ngày 7-7. Ảnh: AP

Kịch tính kỳ bầu cử quốc hội bất thường của Pháp

Ngày 9-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm đến ba năm, sau thất bại của đảng Phục Hưng của ông trước đảng RN tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Bầu cử quốc hội Pháp gồm hai vòng, diễn ra vào các ngày 30-6 và 7-7, nhằm chọn ra 577 thành viên quốc hội từ 4.011 ứng viên. Ở vòng 1, ứng viên nhận được đa số phiếu bầu và có được sự ủng hộ của tối thiểu 25% cử tri tại khu vực bầu cử sẽ giành chiến thắng. Nếu không có ứng viên đạt ngưỡng 25%, những ứng cử viên nhận được sự ủng hộ của tối thiểu 12,5% số cử tri khu vực bầu cử sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai.

Kết thúc vòng bầu cử thứ nhất, đảng RN đứng đầu với 33% phiếu bầu, về nhì là liên minh NFP với 28% và liên minh của Tổng thống Macron xếp cuối với chỉ 20% số phiếu. Sau khi có kết quả vòng một, liên minh trung dung của ông Macron và liên minh cánh tả đã tập hợp lại nhằm ngăn phe cực hữu giành được thế đa số tuyệt đối tại quốc hội.

Chiến thuật của hai bên là rút bớt ứng viên của đảng mình tại các khu vực bầu cử để ủng hộ bên còn lại nhằm ngăn tình trạng chia rẽ phiếu bầu. Theo báo Le Monde, trong vòng chưa đầy 48 giờ sau khi có kết quả vòng 1, đã có 224 ứng viên, trong đó chủ yếu là của NFP và liên minh trung dung của ông Macron, tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vòng hai.

Chiến thuật trên đã đem lại hiệu quả. Vòng bỏ phiếu thứ hai kết thúc với kết quả chung cuộc là liên minh NFP giành được 182 ghế, kế đến là liên minh trung dung của Tổng thống Macron với 163 ghế và đứng thứ ba là đảng cực hữu RN với 143 ghế.

Ngay sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, Chủ tịch đảng RN - ông Jordan Bardella chỉ trích chiến thuật bầu cử từ các đảng đã “tước đi cơ hội” chứng kiến hàng triệu người dân Pháp được lên nắm quyền.

“Những sự dàn xếp bỏ phiếu do một tổng thống bị cô lập ở điện Elysee và một phe cánh tả hung hăng dàn dựng sẽ chẳng dẫn đến đâu cả. Giữa cuộc khủng hoảng sức mua, khi tình hình bất ổn và hỗn loạn đang ảnh hưởng nặng nề đến đất nước, Pháp đã mất đi đa số, mất đi một chính phủ để hành động, và do đó mất đi một lộ trình rõ ràng để xoay chuyển tình thế của nước Pháp” - ông Bardella nói.

Kết quả bầu cử khiến quốc hội Pháp bị chia rẽ giữa ba nhóm lớn với các cương lĩnh khác nhau và không có truyền thống làm việc cùng nhau.

Tiến trình thành lập chính phủ ra sao?

Với kết quả như trên, không đảng nào giành được 289 ghế cần thiết để đạt được đa số tuyệt đối trong quốc hội, khiến việc thành lập chính phủ trở nên khó đoán.

Kịch bản đầu tiên để giải quyết vấn đề này chính là thành lập một chính phủ thiểu số - một phương án đầy thách thức. Với tư cách là đảng đa số, các nhà lãnh đạo NFP cho biết sẽ tìm cách thành lập chính phủ để thực hiện chương trình nghị sự của đảng.

Ngày 7-7, ngay sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng France Unbowed (Nước Pháp không khuất phục) thuộc NFP đã kêu gọi Tổng thống Macron thừa nhận chiến thắng của liên minh và bổ nhiệm một thủ tướng từ NFP.

 Ông Jean-Luc Mélenchon (giữa), lãnh đạo đảng France Unbowed thuộc liên minh cánh tả, phát biểu sau khi có kết quả vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội Pháp ngày 7-7 tại thủ đô Paris. Ảnh: EPA-EFE

Ông Jean-Luc Mélenchon (giữa), lãnh đạo đảng France Unbowed thuộc liên minh cánh tả, phát biểu sau khi có kết quả vòng 2 cuộc bầu cử quốc hội Pháp ngày 7-7 tại thủ đô Paris. Ảnh: EPA-EFE

Tuy nhiên, NFP là một liên minh gồm nhiều đảng phái, với các quan điểm khác nhau nên cuộc đấu tranh nội bộ để giành vị trí thủ tướng cho đảng mình có thể sẽ xảy ra. Trong khi đó, Chủ tịch đảng RN - ông Bardella nhiều lần tuyên bố rằng đảng này chỉ đứng ra thành lập chính phủ khi giành thế đa số tuyệt đối tại quốc hội Pháp, còn liên minh của ông Macron chưa lên tiếng về khả năng này.

Một kịch bản khác là thành lập liên minh cầm quyền, nhưng ở Pháp chưa từng tồn tại tiền lệ này. Dù liên minh trung dung của ông Macron và liên minh cánh tả đã bắt tay để ngăn phe cực hữu chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng khả năng hai bên hợp tác thành lập liên minh ở quốc hội là không dễ xảy ra.

Việc hợp tác đòi hỏi hai bên phải nhượng bộ và chấp nhận chương trình nghị sự của nhau. Theo tờ Financial Times, những yêu cầu của các nhóm trung tả có thể “khó nuốt” đối với đảng của ông Macron. Phe này có thể yêu cầu tổng thống bãi bỏ việc tăng tuổi nghỉ hưu, hoặc xóa bỏ luật nhập cư được thông qua hồi năm ngoái. Thậm chí, phe cánh tả cũng có thể sẽ yêu cầu tăng thuế, điều mà liên minh của ông Macron công khai phản đối.

“Trên lý thuyết thì đó là một ý tưởng hay, nhưng có một khoảng cách rất lớn giữa những phương án và những gì thực sự có thể đạt được” - ông Bertrand Mathieu, chuyên gia về luật hiến pháp tại ĐH Sorbonne (Pháp), bình luận khả năng thành lập liên minh.

Nếu không có liên minh nào được thành lập, một chính phủ kỹ trị có thể là giải pháp. Với kịch bản này, ông Macron có thể bổ nhiệm một chính phủ do một viên chức cấp cao hoặc một nhân vật phi đảng phái đứng đầu để điều hành đất nước, ít nhất cho đến cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo. Tuy nhiên, chính phủ như vậy phải được quốc hội thông qua và thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Một phương án khác được Thủ tướng sắp mãn nhiệm Gabriel Attal ủng hộ đó là thành lập liên minh tạm thời. Theo đó, mỗi khi có văn bản luật cần thông qua, các đảng có thể thành lập các liên minh tạm thời để bỏ phiếu.

Theo tờ The Guardian, ông Macron đã nhiều lần thử nghiệm chiến lược này kể từ khi đảng của ông mất thế đa số vào năm 2022 nhưng không mấy thành công. Ông Macron đã phải dùng đến các quyền hiến định đặc biệt như điều 49.3 của hiến pháp để thông qua luật mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội.

Quốc tế phản ứng kết quả bầu cử quốc hội Pháp

Nhiều chính trị gia và các nhà lãnh đạo trên thế giới đã bình luận về kết quả bất ngờ của cuộc bầu cử quốc hội Pháp.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, người theo đường lối trung tả, viết trên X ngày 7-7: “Sự nhiệt tình ở Paris, sự thất vọng ở Moscow, sự nhẹ nhõm ở Kiev. Đủ để vui vẻ ở Warsaw”.

Ông Nils Schmid, người phát ngôn chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng kết quả bầu cử quốc hội Pháp đã giúp “tránh điều tồi tệ nhất xảy ra”.

Đảng của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã chúc mừng liên minh cánh tả vì một chiến thắng “ngăn chặn phe cực hữu tiếp cận chính phủ”.

Ông Nikos Androulakis, người đứng đầu đảng Xã hội PASOK của Hy Lạp, nói rằng người dân Pháp đã “dựng một bức tường chống lại phe cực hữu, chống phân biệt chủng tộc, đồng thời bảo vệ các nguyên tắc vượt thời gian của CH Pháp: Tự do, Bình đẳng và Bác ái”.

Tổng thống cánh tả của Colombia - ông Gustavo Petro - cũng chúc mừng người Pháp đã tránh được chủ nghĩa cực hữu.

“Có những trận chiến chỉ kéo dài vài ngày nhưng quyết định số phận của nhân loại. Pháp đã trải qua một trong những trận chiến này” - ông Petro nói.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/chinh-phu-macron-se-the-nao-sau-cuoc-dua-ta-huu-kich-tinh-post799443.html
Zalo