Chính phủ đề xuất tăng hơn 20.000 tỷ đồng vốn cho Vietcombank
Chính phủ đề xuất bổ sung khoảng 20.700 tỷ đồng vốn điều lệ cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Chiều 24/9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Trình bày tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay Chính phủ đề nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank và đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 8.
Cụ thể, đề nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước để duy trì tỉ lệ vốn góp nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư bổ sung từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank. “Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank là rất cấp thiết”- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Nêu lý do, bà Hồng cho rằng việc này giúp Vietcombank nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực, nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; đồng thời khẳng định vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ.
Cạnh đó, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; giúp Vietcombank có tiềm lực để thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ lãi suất và nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Theo bà Hồng, đây là điều kiện cần thiết để Vietcombank có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế. Phần vốn điều lệ tăng thêm Vietcombank dự kiến sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, đầu tư cho công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB. VCB là một trong các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, có quy mô lớn, uy tín, tiên phong trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước và đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
"Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB sẽ giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và hướng tới chuẩn mực quốc tế theo Hiệp ước Basel III vào năm 2026, mở rộng hoạt động tín dụng, tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực theo mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao khả năng nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại yếu kém trong thời gian sắp tới" - ông Thanh cho biết.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Chính phủ tiếp tục rà soát, kiến nghị nội dung cụ thể đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp để báo cáo Quốc hội quyết nghị, trong đó nêu rõ Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết mức vốn bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank với các nội dung trong tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ gửi đại biểu quốc hội trước ngày 1/10.