Chính phủ đề xuất bổ sung 44.000 tỉ đồng để chi cho sắp xếp tổ chức bộ máy

Chính phủ đề xuất bổ sung dự toán ngân sách trung ương 2025 khoảng 44.000 tỉ đồng để chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ngày 5-5, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Theo Chính phủ, Đảng và Nhà nước có những chủ trương lớn để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số, đưa đất nước vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh.

Phát sinh 59 nghìn tỉ đồng chi trả chế độ khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Để thực hiện mục tiêu trên, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TW; miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông trong hệ thống trường công lập theo Kết luận của Bộ Chính trị.

Chính phủ cho hay tính toán sơ bộ nhu cầu kinh phí của các Bộ, ngành, địa phương phát sinh trong năm 2025 rất lớn, trong đó các nhiệm vụ chi thường xuyên chiếm đa số (chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức nghỉ việc, miễn giảm học phí...) mà theo quy định không được bội chi, vay nợ để thực hiện.

Báo cáo của Chính phủ cho hay kinh phí dự kiến phát sinh thực hiện chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong năm 2025 khoảng 59 nghìn tỉ đồng.

Trong đó, nguồn ngân sách địa phương khoảng 15 nghìn tỉ đồng; nguồn ngân sách Trung ương khoảng 44 nghìn tỉ đồng, bao gồm khoảng 14,2 nghìn tỉ đồng bổ sung có mục tiêu cho các địa phương; nguồn thực hiện tương tự theo cơ chế nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng 15.710 tỉ đồng nguồn kinh phí cải cách tiền lương điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 để bổ sung dự toán cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho các đối tượng quy định tại các Nghị định số 178 và Nghị định số 67.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung 28.290 tỉ đồng dự toán thu ngân sách trung ương 2025 từ nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương và bổ sung tương ứng dự án toán ngân sách. Đồng thời, giao Chính phủ tổ chức thực hiện khoản kinh phí 44.000 tỉ đồng nêu trên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cũng theo Chính phủ, thực hiện các kết luận số 126, 127, 130 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thời gian tới, các địa phương sẽ phát sinh nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

“Trường hợp sử dụng hết nguồn 44.000 tỉ đồng nêu trên, để chủ động về nguồn bổ sung cho các địa phương, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn tích lũy chi cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương năm 2024 còn dư để bổ sung cho các địa phương, giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp gần nhất”- báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, theo Chính phủ, nhu cầu kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện chính sách miễn học phí khoảng 10 nghìn tỉ đồng, riêng năm 2025 (4 tháng năm học 2025-2026) khoảng 4,5 nghìn tỉ đồng.

Đồng thời, còn phát sinh nhu cầu kinh phí thực hiện di dời trụ sở mới, sửa chữa trụ sở, hệ thống hạ tầng thông tin… cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau sáp nhập…

Vì vậy, trên cơ sở nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 bố trí tại các lĩnh vực chưa phân bổ đầu năm còn lại khoảng 6.623 tỉ đồng, Chính phủ trình Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đề nghị chi đúng mục đích, đối tượng, hiệu quả, tránh thất thoát...

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho hay đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí việc trình Quốc hội xem xét, quyết định bố trí 44 nghìn tỉ đồng như phương án Chính phủ trình và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể theo đúng quy định của Luật NSNN.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Trung ương trong trường hợp đối với kinh phí phát sinh lớn hơn 44 nghìn tỉ đồng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự toán đối với nhiệm vụ chi này, theo khoản 2 Điều 55 Hiến pháp và khoản 2 Điều 8 Luật NSNN.

“Trường hợp giữa hai kỳ họp, kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp chưa rõ phương án phân bổ cụ thể, trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định, giao Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định Luật NSNN”- ông Phan Văn Mãi nói.

Về chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ bố trí thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng mục đích, đối tượng, chế độ, định mức theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

“Trường hợp kinh phí phát sinh lớn hơn số kinh phí được bố trí, đề nghị sử dụng kinh phí từ dự phòng ngân sách Trung ương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”- ông Phan Văn Mãi nói thêm.

Cần bổ sung khoảng 25 nghìn tỉ cho KHCN, đổi mới sáng tạo

Một nội dung đáng chú ý khác, Chính phủ dự tính ngân sách Trung ương cần được cân đối, bổ sung khoảng 25 nghìn tỉ đồng để chi cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo mức bố trí năm 2025 đủ 3% tổng chi NSNN.

Chính phủ dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024 để thực hiện nhiệm vụ này. Trường hợp còn thiếu, Chính phủ trình Quốc hội cho phép Chính phủ điều chỉnh, sắp xếp trong phạm vi các khoản dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2025 chưa phân bổ đầu năm để thực hiện.

Đồng tình với đề xuất nêu trên, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng trong nhiều năm qua, việc sử dụng, giải ngân nguồn NSNN cho khoa học, công nghệ là khá chậm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, có giải pháp triển khai kịp thời và chịu trách nhiệm toàn diện về phân bổ, giải ngân, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực, bảo đảm không thất thoát, lãng phí.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/chinh-phu-de-xuat-bo-sung-44000-ti-dong-de-chi-cho-sap-xep-to-chuc-bo-may-post848063.html
Zalo