Chim hồng hoàng – biểu tượng cho sự chung thủy trong tình yêu

Bên cạnh ngày lễ tình nhân Valentine và Makha Bucha - một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch Phật giáo, Thái Lan còn tổ chức 'Ngày yêu chim hồng hoàng' vào tháng 2 trong gần 30 năm qua.

Chim hồng hoàng. Ảnh: Wikipedia.

Chim hồng hoàng. Ảnh: Wikipedia.

Ngày kỷ niệm này được Thái Lan lựa chọn dựa trên đặc điểm sinh học độc đáo của loài chim hồng hoàng khi chúng sống theo tập tính một chim trống và một chim mái suốt đời. Các nhà nghiên cứu cho biết nếu một cá thể chim hồng hoàng mất đi bạn đời, chúng có thể chết vì đau buồn. Do đó, chim hồng hoàng được xem là biểu tượng của tình yêu và lòng chung thủy. Tương truyền, nếu chim trống không trở về sau mỗi chuyến săn mồi, chim mái cùng con non có thể chết đói trong tổ.

Chính vì vậy, ngày 13/2 hằng năm kể từ năm 1997 đã được Thái Lan chọn làm ngày tôn vinh loài chim này, như một lời nhắc nhở về tình yêu bền vững ngay trước thềm ngày lễ tình nhân Valentine.

Bên cạnh là một biểu tượng cho tình yêu, theo các nghiên cứu cho thấy chim hồng hoàng còn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, được mệnh danh là "bậc thầy tái sinh rừng" nhờ tập tính ăn trái cây chín và phát tán hạt giống khắp nơi. Số lượng loài này cũng là thước đo đánh giá độ phì nhiêu và tình trạng của rừng.

Theo thống kê gần nhất cách đây khoảng 5 năm, Thái Lan có khoảng 3.000 cá thể chim hồng hoàng, tập trung chủ yếu tại Vườn quốc gia Khao Yai (tỉnh Nakhon Nayok) và Vườn quốc gia Budo Su-ngai Padi (tỉnh Narathiwat). Tuy nhiên, số lượng loài này đang suy giảm do nạn phá rừng và săn bắt trái phép.

Loài chim này có giá cao trên thị trường chợ đen, bị coi là biểu tượng của sự quyền quý. Do đó, nạn săn bắt đã khiến loài chim hồng hoàng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Về góc độ bảo tồn, hiện nay, tình trạng buôn bán chiếc mỏ sừng của loài chim này vẫn tiếp tục diễn ra ngấm ngầm khó kiểm soát do giá trị của nó lên tới hơn 6.000 USD cho mỗi kg (tức đắt gấp 3 lần ngà voi) trên thị trường chợ đen.

Theo Luật Bảo tồn và Bảo vệ động vật hoang dã năm 1992 của Thái Lan, chim hồng hoàng được đưa vào loài động vật cần được bảo vệ. Những trường hợp bị phát hiện sở hữu, mua bán hoặc săn bắt loài chim quý này có thể đối mặt với mức án lên tới 4 năm tù và có thể kèm với việc bị xử phạt hành chính lên tới 40.000 baht (khoảng 30 triệu đồng).

Theo Quỹ Nghiên cứu chim hồng hoàng Thái Lan thuộc Đại học Mahidol, chim hồng hoàng đã tồn tại cách đây hàng triệu năm và đóng vai trò không thể thiếu trong việc duy trì sự trù phú của rừng nhiệt đới. Thái Lan hiện có 13 loài hồng hoàng, phần lớn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tiêu biểu là loài chim hồng hoàng mũ đã được xếp vào danh sách loài động vật quý hiếm thứ 20 của Thái Lan theo Đạo luật Bảo tồn và Bảo vệ động vật hoang dã năm 2019.

"Nếu số lượng hồng hoàng giảm sút hoặc tuyệt chủng, nhiều loài động vật khác cũng sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất", Quỹ Nghiên cứu chim hồng hoàng cảnh báo.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Nation Thailand)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/chim-hong-hoang-bieu-tuong-cho-su-chung-thuy-trong-tinh-yeu-20250213154025186.htm
Zalo