Chiêu trò trục lợi qua công ty 'ma'
Trong những năm gần đây, tình trạng mua bán hóa đơn trái pháp luật ngày càng tinh vi và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Một trong những phương thức phổ biến mà các đối tượng lừa đảo sử dụng là lập hoặc mua lại công ty 'ma' để thực hiện hành vi này.
Lập công ty “ma”, mua bán hóa đơn trái phép hàng nghìn tỉ đồng
Ngày 25/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và môi trường, Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Hoa, 40 tuổi, trú tại phường Châu Khê, TP Từ Sơn về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Lực lượng chức năng Công an tỉnh Bắc Ninh thu giữ nhiều con dấu, USB Token công ty ở các tỉnh thành trên cả nước.
Quá trình điều tra, Cơ quan Công an xác định, với thủ đoạn thông qua mạng xã hội, Hoa đã đứng ra đặt mua 58 công ty “ma” (không hoạt động sản xuất, kinh doanh thật) có địa chỉ tại các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương,…
Sau khi nhận được mã số doanh nghiệp, UBS Token, số tài khoản ngân hàng của các công ty trên, Hoa tạo lập hóa đơn điện tử, báo cáo thuế… Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hoa đã mua bán trái phép trên 10.000 số hóa đơn giá trị gia tăng, với số tiền khoảng hơn 6.000 tỷ đồng, gây thiệt hại cho tiền thuế Nhà nước ước tính khoảng 600 tỷ đồng.
Tiến hành khám xét địa điểm hoạt động tại Phường Châu Khê, TP Từ Sơn, Cơ quan Công an thu giữ nhiều con dấu, USB Token công ty ở các tỉnh thành trên cả nước và nhiều giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hành vi phạm tội mua bán trái phép hóa đơn. Hiện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và môi trường, Công an tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án để làm rõ các đối tượng có liên quan.
Trước đó, vào ngày 9/4, Công an tỉnh Hưng Yên cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về tội Mua bán trái phép hóa đơn. Đối tượng cầm đầu là Hoàng Thị Hải Yến, sinh năm 1987 (trú tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang cùng 6 đồng phạm khác là: Đinh Thị Phượng, sinh năm 1986, Nguyễn Thị Diệu Hương, sinh năm 1988 (cùng trú tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định); Vũ Đức Quận, sinh năm 1989 (trú tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định); Mai Thị Thanh Bình, sinh năm 1992 (trú tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); Phạm Văn Dung, sinh năm 1966 (trú tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) và Phạm Thị Duyên, sinh năm 1985 (trú tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
Theo kết quả điều tra, từ năm 2020 đến nay, Yến đã cùng một số đối tượng sử dụng giấy CMND, thẻ CCCD giả để đăng ký, thành lập công ty hoặc mua lại công ty rồi thay đổi người đại diện pháp luật đối với 30 công ty để xuất bán khống hàng nghìn hóa đơn giá trị gia tăng (không hàng hóa kèm theo) với giá khoảng 1,5% đến 2% giá trị hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.

Tang vật vụ án trong đường dây mua bán hóa đơn trái phép ở Đắk Nông.
Gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông ra quyết định khởi tố vụ án mua, bán trái phép hóa đơn, khởi tố 4 bị can do Lê Thiện Nhật Thi, sinh năm 1989 (trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) cầm đầu. Các đối tượng khác là Lò Ái Nhi (sinh năm 1991), trú tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh; Trần Vinh Sơn (sinh năm 1988), trú tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tô Diễm Xuân (sinh năm 1994), trú tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các đối tượng này đã mua thông tin căn cước công dân của người dân để thành lập các công ty, doanh nghiệp “ma”, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống để trục lợi bất chính. Kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng trong đường dây đã thành lập hơn 80 công ty chỉ để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống.
Từ năm 2022 đến khi bị phát hiện, các đối tượng Lê Thiện Nhật Thi, Lò Ái Nhi, Trần Vinh Sơn, Diễm Xuân... đã xuất bán hơn 20.000 hóa đơn giá trị gia tăng cho các công ty, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng là hơn 10.000 tỷ đồng, tổng số tiền hàng hóa sau thuế ghi trên hóa đơn khoảng 2.150 tỷ đồng, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 80 mẫu hộp dấu của các công ty “ma”, hơn 70 căn cước công dân để sử dụng vào việc thành lập công ty, hơn 120 hồ sơ thành lập công ty “ma” cùng nhiều phương tiện, máy móc kỹ thuật liên quan.
Ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh
Trước thực trạng việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều, với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, Tổng cục Thuế khẳng định hành vi trái pháp luật này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.
Cụ thể, các doanh nghiệp thành lập với mục đích gian lận về hóa đơn chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn từ 1 năm đến 2 năm, sau đó tạm ngừng hoặc dừng hoạt động nhưng không làm thủ tục với cơ quan có thẩm quyền để tránh thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn số lượng lớn, trên hóa đơn xuất bán nhiều mặt hàng... doanh thu tăng đột biến so với kỳ trước nhưng không có kho hàng, tài sản cố định, kê khai không phát sinh hoặc phát sinh số thuế phải nộp rất thấp...

Các đối tượng trong đường dây mua bán hóa đơn trái phép ở Đắk Nông.
Các đối tượng lừa đảo thường tận dụng sự đơn giản trong thủ tục đăng ký kinh doanh để lập các công ty không hoạt động thực tế, nhưng hợp pháp về mặt hồ sơ. Cụ thể, các đối tượng thường tiếp cận người dân thiếu hiểu biết về pháp luật (thường là người cao tuổi, người thất nghiệp hoặc người dân ở vùng sâu, vùng xa) để mua lại giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân. Trả từ 1-3 triệu đồng cho mỗi bộ giấy tờ để sử dụng làm đại diện pháp luật cho doanh nghiệp “ma”.
Không chỉ vậy, chúng còn dùng địa chỉ mượn, như các căn nhà bỏ hoang, địa chỉ giả mạo (số nhà không tồn tại) để làm địa chỉ công ty “ma”. Một số đối tượng tinh vi còn đăng ký địa chỉ thuộc các khu vực khó kiểm soát, như vùng ven hoặc ngoại thành.
Một thủ đoạn khác mà các đối tượng buôn bán hóa đơn giả thường làm là nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh với ngành nghề không cần chứng minh vốn hoặc giấy phép con (như thương mại dịch vụ, vận tải, hoặc xây dựng). Sau khi được cấp phép, lập tức in hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) với số lượng lớn để bán.
Thay vì lập mới, nhiều đối tượng mua lại các doanh nghiệp nhỏ, khó khăn để tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa hợp pháp. Cụ thể, các đối tượng sẽ liên hệ với các doanh nghiệp nhỏ có dấu hiệu thua lỗ, ngừng hoạt động, hoặc đang chuẩn bị giải thể. Sau đó, đề nghị mua lại công ty với giá rẻ, hứa thanh toán nợ thuế hoặc giải quyết các vấn đề pháp lý. Các đối tượng sẽ thay đổi người đứng tên đại diện công ty trên giấy phép kinh doanh nhưng giữ nguyên mã số thuế, con dấu và tài khoản ngân hàng để tạo vỏ bọc pháp lý hợp lệ.
Khi đã có công ty, các đối tượng phát hành hóa đơn hoặc thực hiện các giao dịch giả mạo để mua bán hóa đơn hoặc che giấu giao dịch phi pháp. Để đáp ứng nhu cầu mua bán hóa đơn nhiều, các đối tượng thường tạo ra mạng lưới nhiều công ty để giao dịch hóa đơn nội bộ, từ đó hợp thức hóa chi phí. Cụ thể, đăng ký nhiều công ty ở các địa phương khác nhau nhưng có liên quan ngành nghề. Ví dụ, một công ty bán nguyên vật liệu, một công ty xây dựng, một công ty vận tải. Mỗi công ty chỉ giữ vai trò “đầu mối trung gian” để xuất hóa đơn qua lại.
Lập hợp đồng mua bán, xuất hóa đơn VAT khống mà không có hàng hóa hoặc dịch vụ thực tế. Các công ty này chỉ tồn tại trên hồ sơ, không có kho bãi, nhân viên hay bất kỳ hoạt động kinh doanh thực sự nào.
Sau khi tạo ra chuỗi hóa đơn hợp lệ qua các công ty “ma”, các đối tượng sẽ bán lại cho các doanh nghiệp có nhu cầu trốn thuế hoặc hợp thức hóa chi phí.
Không chỉ mua bán hóa đơn mà nhiều công ty “ma” còn được dùng để rửa tiền từ các hoạt động phi pháp như buôn lậu, hối lộ hoặc kinh doanh hàng cấm như: Lập các hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật giữa công ty “ma” và các bên liên quan; Chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản ngân hàng doanh nghiệp để làm tăng độ phức tạp của giao dịch. Sử dụng hóa đơn giả để khai báo thu nhập hợp lệ, sau đó rút tiền hoặc đầu tư vào các dự án khác để che giấu nguồn gốc phi pháp.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý thuế; phòng, chống gian lận hóa đơn; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế. Đặc biệt là công tác phối hợp với cơ quan công an trong đấu tranh chống gian lận hóa đơn. Cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố nhiều vụ án với hành vi mua bán hóa đơn, buôn lậu và trốn thuế...
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn từng bước đi đến triệt để tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp của các ngành, các cấp, từ trung ương đến địa phương, trong đó vai trò ngành Thuế làm chủ trì, tổ chức, phối hợp, thực hiện.
Dấu hiệu nhận biết các công ty “ma” thường là địa chỉ không rõ ràng. Văn phòng đăng ký tại các địa điểm ảo, không tồn tại. Không có hoạt động thực tế như: Không có nhân viên, không có kho hàng, không giao dịch thật. Thay đổi đại diện pháp luật liên tục: Người đại diện là các cá nhân không đủ năng lực hoặc thường xuyên thay đổi. Phát hành hóa đơn bất thường: Xuất hóa đơn số lượng lớn trong thời gian ngắn mà không có hoạt động tương ứng.
Theo ông Trần Quốc Toàn - chuyên gia tư vấn doanh nghiệp cho biết: “Nhiều doanh nghiệp vô tình tiếp tay cho công ty “ma” bằng việc mua hóa đơn để hợp thức hóa chi phí. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định và tránh xa những giao dịch bất hợp pháp”.
Để đối phó với các thủ đoạn trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp như: Yêu cầu xác minh kỹ lưỡng thông tin cá nhân của người đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cần rà soát các doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký hoặc có dấu hiệu bất thường. Cơ quan thuế, công an kinh tế và ngân hàng cần chia sẻ dữ liệu để phát hiện sớm các dấu hiệu nghi vấn. Doanh nghiệp và người dân cần hiểu rõ hậu quả pháp lý khi tiếp tay hoặc tham gia mua bán hóa đơn.
Các thủ đoạn lập hoặc mua công ty “ma” để mua bán hóa đơn trái pháp luật không chỉ gây thất thoát nguồn thuế nhà nước mà còn làm suy yếu môi trường kinh doanh lành mạnh. Để đối phó với vấn nạn này, cần sự quyết tâm mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng và ý thức tự giác từ cộng đồng doanh nghiệp.