Chiêu trò du lịch giảm giá khi đặt qua fanpage:Cảnh giác để tránh mắc bẫy
Dù các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp lữ hành… đã liên tục cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về thủ đoạn lừa đảo qua hình thức thanh lý voucher (phiếu tặng quà), đặt phòng, combo du lịch giảm giá trên nền tảng mạng, nhưng hiện nay vẫn nhiều người dân mắc bẫy.
Đáng nói, đối tượng lừa đảo còn giả mạo fanpage của các khu nghỉ dưỡng, resort 5 sao uy tín, chạy quảng cáo, thậm chí có tích xanh (khẳng định fanpage chính chủ) để thực hiện hành vi lừa đảo...
Bỏ tiền mua… bực mình

Du khách tìm hiểu các sản phẩm du lịch của Tổng công ty Du lịch Hà Nội. Ảnh: Quang Thái
Chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè năm nay, ngày 2-5, chị Nguyễn Thị Thanh (huyện Quốc Oai) tìm trên mạng xã hội Facebook những khu nghỉ dưỡng phù hợp cho nhóm gia đình. Qua tìm hiểu, chị thấy fanpage Khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Van Don (tỉnh Quảng Ninh) có tích xanh, nhiều người thích và theo dõi, chị Thanh đã nhắn tin nhờ tư vấn. Được giới thiệu đây là khu nghỉ dưỡng gần Hà Nội, trọn gói dịch vụ đẳng cấp, trong đó miễn phí một số dịch vụ đi kèm, lại được giảm giá tới 40% khi đặt 4 phòng trở lên trong 2 đêm nếu đặt luôn trên fanpage, nên chị đã quyết định đặt phòng. Sau khi nhân viên tư vấn lên hóa đơn, gửi các thông tin liên quan đến khu nghỉ dưỡng, số tài khoản yêu cầu chuyển khoản trước 50% số tiền phòng để giữ chỗ, chị Thanh đã chuyển gần 14 triệu đồng cho đại diện khu nghỉ dưỡng.
“Quá trình nhắn tin cho fanpage nhờ tư vấn, họ không vồn vã, thậm chí tôi nhắn mãi mới thấy họ trả lời. Hơn nữa fanpage này có tích xanh, nên tôi đã “đặt trọn niềm tin”. Chỉ đến khi chuyển khoản xong, nhân viên báo lại: “Chị đã chuyển nhầm mã khuyến mại, đề nghị chị chuyển lại…”, tôi mới biết mình bị lừa”, chị Thanh cho hay.
Cũng theo chị Thanh, khi biết bị lừa, chị đã thử nhắn lại cho fanpage và yêu cầu chuyển trả lại tiền thì ngay lập tức nhân viên tư vấn yêu cầu chị cung cấp số tài khoản và một số thông tin khác để tiện cho việc hoàn tiền. Đến đây, chị đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, lặng lẽ chặn fanpage, xóa toàn bộ tin nhắn trước đó…
Cùng cảnh ngộ, ngày 10-5 vừa qua, chị Nguyễn Huyền Tr. ở quận Đống Đa vừa “bỏ tiền mua bực mình” khi bị lừa đảo đặt cọc 50% số tiền thuê 3 phòng trong 2 đêm cho 6 người qua fanpage Melia Ho Tram Resort Beach (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau khi chuyển khoản thành công số tiền 5,2 triệu đồng, gửi lại thông tin chuyển khoản cho fanpage, chị Tr. nhận được tin nhắn “… hiện tại hệ thống bên em báo chưa xác nhận booking thành công được hóa đơn cho chị ạ”, và yêu cầu tiếp tục chuyển tiền lúc đó chị Tr. mới biết đã bị lừa...
Ngoài hai trường hợp trên, thời gian gần đây, còn nhiều trường hợp khác cũng bị mắc bẫy lừa đảo khi đặt phòng khách sạn, resort, mua vé máy bay qua nền tảng mạng xã hội. Các đối tượng thường lợi dụng nhu cầu đi du lịch dịp nghỉ lễ, nghỉ hè… gia tăng để thực hiện hành vi lừa đảo thông qua các thủ đoạn tinh vi.
Người dân cần nêu cao cảnh giác
Chị Nguyễn Diệu Linh ở phường La Khê (quận Hà Đông) làm trong ngành Du lịch nhiều năm cho biết, nhiều khách vì thiếu thông tin về nơi nghỉ dưỡng, lại ham rẻ nên dễ mắc bẫy khi mua voucher du lịch, đặt phòng trên nền tảng mạng xã hội. Thông thường, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao không bao giờ bán rẻ hơn giá của đại lý vì họ có tiêu chuẩn giá khách lẻ, giá tại quầy và giá đại lý. Nếu đặt phòng trực tiếp qua fanpage, thêm nhiều khuyến mại khác mà giảm tới 40% thì chắc chắn là lừa đảo.
“Để tránh bị lừa, khách hàng cần cảnh giác, không nên giao dịch chuyển khoản cho tổ chức hay cá nhân nào lạ nhận đặt phòng trên mạng xã hội, kể cả những fanpage của các khu nghỉ dưỡng, khách sạn nổi tiếng có tích xanh. Khi giao dịch, cần biết rõ thông tin của người chuyển tiền như căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ rõ ràng…”, chị Linh tư vấn.
Nhằm giúp người dân phòng, chống thủ đoạn giả mạo, chiếm đoạt tiền đặt cọc thuê khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng…; thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục đưa ra khuyến cáo và chỉ cho người dân cách nhận diện các thủ đoạn lừa đảo du lịch, đặt phòng khách sạn, homestay… trên các nền tảng trực tuyến như: Trước khi quyết định đặt phòng, người dân cần kiểm tra kỹ địa chỉ website đơn vị mình dự kiến đặt phòng; cần tham khảo ý kiến của những người đã từng lưu trú tại khách sạn mình dự định đặt phòng.
Theo Công an thành phố Hà Nội, người dân cần đặc biệt cảnh giác với yêu cầu thanh toán tiền đặt phòng quá sớm để giữ chỗ; tuyệt đối không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn chuyển tiền cho các đối tượng vì những lý do như sai mã, sai nội dung chuyển khoản… Chỉ nên đặt phòng qua các nền tảng uy tín (như Booking.com, Agoda,…), vì các nền tảng này thường có hệ thống bảo vệ thanh toán và các chính sách hoàn tiền nếu xảy ra sự cố.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để tránh bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn, resort trên nền tảng mạng xã hội, người dân cần thận trọng, tìm những đơn vị nhận đặt phòng uy tín, không nên tin tưởng những fanpage chạy quảng cáo đặt phòng với mức giá quá rẻ. Bên cạnh đó, cần kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort mình cần đặt, chủ động liên hệ trực tiếp với khách sạn trước khi thanh toán thông qua các thông tin liên hệ trên trang chính thức, như số hotline, email để xác minh thông tin về phòng và dịch vụ…