Chiều nay, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm về cổ phần hóa

14h30 chiều nay, 16.10, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm 'Chính sách, pháp luật cổ phần hóa – những vấn đề đặt ra'.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong ba trụ cột của tái cơ cấu nền kinh tế. Thời gian qua, hành lang pháp lý để tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước đã từng bước được hoàn thiện. Qua đó, giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, nhất là trong giai đoạn 2016 – 2020. Doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại thực chất hiệu quả hơn; đồng thời hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng gặp nhiều vướng mắc, chậm tiến độ và xảy ra không ít sai phạm.

Trong báo cáo của Chính phủ đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chính phủ đánh giá: “tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm so với kế hoạch đã đề ra”; đồng thời “vẫn còn tồn tại một số trường hợp tiêu cực trong xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến đất đai, làm thất thoát vốn và tài sản của nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn”.

Tại Kỳ họp thứ Sáu, dự kiến khai mạc ngày 23.10 tới, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 31/2021/QH15; trong đó có nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Trong bối cảnh như vậy, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Chính sách, pháp luật cổ phần hóa – những vấn đề đặt ra” với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế: Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật; Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế; Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế; Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế.

Tọa đàm nhằm đánh giá kết quả thực hiện cổ phần hóa; nhìn nhận rõ các hạn chế, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa; cũng như bàn các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, ngăn ngừa trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, nhất là đất đai. Từ đó, đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

H. Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chieu-nay-bao-dai-bieu-nhan-dan-to-chuc-toa-dam-ve-co-phan-hoa-i346470/
Zalo