Chiến thắng Trảng Bom - dấu ấn đặc biệt của Sư đoàn 341

Sau Chiến thắng Xuân Lộc, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến nhanh chóng, hình thành một thế trận mới, quân và dân ta đã sẵn sàng thực hiện chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Thời cơ chiến lược đã đến, đêm 21-4, Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân đoàn 4: Đánh chiếm Trảng Bom, Biên Hòa, tiến vào Sài Gòn theo trục Đường 1.

Ngày 22-4-1975, Sư đoàn 341 được Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ đánh chiếm Trảng Bom, mở Đường 1... hoàn thành mở cửa lớn cho Quân đoàn và lực lượng của bộ tiến vào Sài Gòn. Thực hiện mệnh lệnh của trên, ngày 27-4-1975, Sư đoàn 341 tiến công tiêu diệt yếu khu quân sự Trảng Bom. Đây là trận đánh then chốt, quan trọng, để lại những dấu ấn đặc biệt của Sư đoàn 341 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trận đánh Trảng Bom tiêu diệt mục tiêu then chốt trên tuyến phòng ngự chiến lược mạnh nhất, quan trọng nhất của địch, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông.

Trảng Bom cách thị xã Biên Hòa khoảng 20km về phía Đông, nằm giữa Đường 1 và đường sắt, có bình độ cao thấp không đều, tạo ra các trảng và các dải, có nhiều đồi trồng cao su, cà phê, nhiều đường lâm nghiệp và có một số suối chia cắt... Địa hình ở đây có nhiều thuận lợi cho địch tổ chức phòng ngự. Sau khi bị thất thủ ở Xuân Lộc, trước nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn, ngụy quyền Sài Gòn vội vã dồn toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 3, Quân khu 3 xây dựng tuyến phòng thủ tại Trảng Bom-Hố Nai-Biên Hòa.

 Hoạt động huấn luyện của Sư đoàn 341 đáp ứng yêu cầu chiến đấu của chiến trường. Ảnh tư liệu

Hoạt động huấn luyện của Sư đoàn 341 đáp ứng yêu cầu chiến đấu của chiến trường. Ảnh tư liệu

Tại đây, địch bố trí Sư đoàn 18 làm chủ công cùng nhiều đơn vị binh chủng trực tiếp bảo vệ yếu khu Trảng Bom. Nếu Trảng Bom bị tiến công, địch ở tuyến sau (Biên Hòa) trực tiếp chi viện. Trảng Bom lúc này là mục tiêu then chốt trên tuyến đầu quan trọng nhất, địch quyết tử thủ để bảo vệ Biên Hòa-Sài Gòn.

Có thể khẳng định: Tuyến vòng ngoài, từ phía Đông Biên Hòa theo Đường 1 đến Trảng Bom là thuộc tuyến phòng ngự mạnh nhất, được xây dựng thành từng cụm dựa vào các căn cứ lớn, có công sự vững chắc. Sư đoàn 341 được Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ đánh Trảng Bom, chính là đánh trận mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông.

Đây là trận đánh cấp sư đoàn đầu tiên đầy đủ nhất của Sư đoàn 341 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, được chuẩn bị chu đáo cả vật chất và tinh thần.

Trước khi đánh Trảng Bom, Sư đoàn 341 đã tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ; trong Chiến dịch Xuân Lộc, Sư đoàn tác chiến trong đội hình của Quân đoàn 4 với lực lượng sư đoàn thiếu. Khi nhận nhiệm vụ đánh Trảng Bom, Sư đoàn có đầy đủ các đơn vị gồm: 3 trung đoàn bộ binh (270, 273, 266), Trung đoàn Pháo binh 55 và các đơn vị trực thuộc. Sư đoàn còn được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 đại đội pháo binh, được sự phối hợp, hỗ trợ của LLVT địa phương Trảng Bom và tỉnh Long Khánh.

Để đánh Trảng Bom, Sư đoàn có thời gian chuẩn bị 5 ngày (từ ngày 22 đến 26-4). Trong điều kiện gấp rút, công tác chuẩn bị được tiến hành rất tích cực, đồng bộ, chu đáo. Đặc biệt về yếu tố chính trị, tinh thần, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn được Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 thông báo Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh nên toàn Sư đoàn khí thế lên rất cao, ý chí quyết tâm và niềm tin chiến thắng bao trùm toàn bộ đơn vị.

Trận đánh Trảng Bom là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng, mẫu mực về nghệ thuật quân sự, sáng tạo và linh hoạt trong xử trí các tình huống.

Sau khi nghiên cứu tình hình địch, ta quyết định tiến hành trận đánh Trảng Bom theo hình thức chiến thuật sư đoàn tiến công địch phòng ngự trong công sự.

Trong trận Trảng Bom, chọn hướng là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự, tạo được yếu tố bất ngờ, đánh vào nơi sơ hở, mỏng yếu, làm cho địch bị động đối phó, không kịp co cụm, ứng cứu cho nhau. Từ đó tạo ra ưu thế tiến công nhanh, tiêu diệt mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy và các mục tiêu quan trọng khác. Do vậy đã phát huy được sức mạnh áp đảo địch, hỗ trợ chi viện cho nhau, tạo ưu thế tiến công mãnh liệt làm cho địch trở tay không kịp.

 Sư đoàn 341 tổ chức lực lượng đánh chiếm yếu khu quân sự Trảng Bom, năm 1975. Ảnh tư liệu

Sư đoàn 341 tổ chức lực lượng đánh chiếm yếu khu quân sự Trảng Bom, năm 1975. Ảnh tư liệu

Sử dụng lực lượng bộ binh hợp lý, kết hợp lực lượng binh chủng, phát huy được sức mạnh tiến công. Đặc biệt, lực lượng pháo binh của sư đoàn và quân đoàn đã bắn chính xác, hỏa lực tập trung, chế áp các mục tiêu và trận địa pháo của địch, làm cho chúng rối loạn, không chi viện, ứng cứu được cho nhau.

Bộ tư lệnh Sư đoàn đã chọn cách đánh tiến công, hiệp đồng binh chủng, phát huy được sức mạnh thế tiến công thần tốc, đánh nhanh vào mục tiêu chủ yếu, quan trọng của địch ở trung tâm yếu khu, làm cho địch hoàn toàn bất ngờ, rối loạn đội hình, vỡ thế trận, bị ta tiêu diệt và làm cho tan rã nhanh chóng. Có thể nói, việc sử dụng Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 270) làm mũi vu hồi tiến công tiêu diệt địch kết hợp chốt và việc sử dụng Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 266) luồn sâu, chia cắt, đánh địch phản kích, đón lõng tiêu diệt địch là những quyết định rất táo bạo; là những đòn đánh hiểm, làm cho toàn bộ quân địch ở yếu khu quân sự Trảng Bom bị cô lập, hoang mang, vỡ trận, tan rã nhanh. Quân địch bị bất ngờ về cách đánh, về thời gian, không gian và thời cơ khi ta nổ súng.

Từ góc độ khoa học-nghệ thuật quân sự, việc tổ chức, sử dụng lực lượng, chọn hướng tiến công tối ưu và xác định cách đánh hiệu quả của trận này là một điển hình của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao, ta giải phóng và làm chủ một địa bàn rộng lớn, quan trọng.

Theo lý luận quân sự, để bên tiến công bảo đảm giành thắng lợi thì phải có lực lượng đông hơn bên phòng ngự trong công sự (gấp từ 3 đến 10 lần). Nhưng do nhận thức được sức mạnh tổng hợp của quân ta nên việc quyết đánh Trảng Bom là một quyết định táo bạo và rất sáng tạo của các cấp chỉ huy. Đây chính là nguyên nhân cơ bản làm nên chiến thắng Trảng Bom.

Trận đánh diễn ra theo phương án tác chiến với tốc độ và nhịp độ rất nhanh. Từ lúc nổ súng tiến công 4 giờ 5 phút đến 8 giờ 30 phút (khoảng 4-5 giờ), quân ta đã cơ bản tiêu diệt yếu khu quân sự Trảng Bom, làm chủ địa bàn. Có thể nói, sau trận Trảng Bom, Sư đoàn 18 ngụy chính thức bị xóa sổ, không còn một đơn vị nào tồn tại với tư cách một đơn vị chiến đấu. Đám tàn binh tan rã co cụm về Hố Nai-Biên Hòa cố thủ.

Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy được coi là “người hùng” với những tuyên bố tử thủ đã phải bỏ chạy về Long Bình, sau đó cải trang trốn chạy về Sài Gòn. Trận Trảng Bom diễn ra với cường độ, nhịp độ cao, đánh nhanh, diệt gọn, bắt nhiều địch, làm tan rã nhiều đơn vị ngụy, thu nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật, giải phóng hơn 10.000 dân, làm chủ một địa bàn rộng lớn, quan trọng theo trục từ ngã ba sông Thao đến suối Đỉa khoảng 14km. Trận Trảng Bom có hiệu suất chiến đấu rất cao-đánh nhanh, tiêu diệt gọn, làm tan rã địch trong một ngày. Đây là một dấu ấn đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đây là trận đánh then chốt mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo thế và lực mới cho quân ta, mở cửa lớn cho đại quân tiến về tham gia giải phóng Biên Hòa-Sài Gòn.

Trên tất cả các hướng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng một thời điểm có nhiều trận đánh diễn ra. Tuy nhiên, xét trên quy mô, giá trị về nghệ thuật quân sự, tầm quan trọng, kết quả và ý nghĩa chiến lược của trận đánh thì trận Trảng Bom là một trong những trận then chốt cấp sư đoàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhờ Chiến thắng Trảng Bom, ta đã làm chủ một hành lang dài hàng chục ki-lô-mét, mở thông Đường 1, binh hỏa lực của ta áp sát Biên Hòa-uy hiếp trực tiếp Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, mở toang cánh cửa lớn cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trong tổng kết Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam khẳng định: “Đây là trận then chốt”.

Chiến thắng Trảng Bom diễn ra cách đây 50 năm, là trận đánh có một vị thế riêng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trận đánh đã thực hiện được tư tưởng chỉ đạo của Bộ tư lệnh chiến dịch là thần tốc, táo bạo, bất ngờ-đánh nhanh, thắng nhanh, diệt gọn. Đây là trận đánh tiêu diệt mục tiêu then chốt trên tuyến phòng ngự chiến lược, quan trọng liên quan đến sự sống còn của chế độ ngụy quyền.

Thắng lợi của trận đánh để lại nhiều bài học về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật chiến đấu hiệp đồng binh chủng; nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy sáng tạo, linh hoạt; nghệ thuật tạo và chớp thời cơ tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, truy kích địch; nghệ thuật sử dụng lực lượng... Chiến thắng Trảng Bom góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thiếu tướng, GS, TS, NGND NGUYỄN VĂN TÀI, Nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/chien-thang-trang-bom-dau-an-dac-biet-cua-su-doan-341-826094
Zalo