Chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Tạo bước ngoặt tập trung toàn lực giải phóng miền Nam

Đại thắng mùa xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử một lần nữa ghi dấu dân tộc Việt Nam anh hùng trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, để có chiến thắng lừng lẫy đó, quân và dân cả nước đã phải trải qua những trận quyết chiến chống lại các chiến lược: Chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, và một trong số đó là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.

Đây là chiến thắng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo điều kiện cho cả nước tập trung toàn lực giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lực lượng phòng không luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Thủ đô. Ảnh: Văn Bảo - TTXVN

Lực lượng phòng không luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Thủ đô. Ảnh: Văn Bảo - TTXVN

Tầm nhìn chiến lược và sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Sau những thất bại liên tiếp của chiến lược chiến tranh đặc biệt rồi chiến tranh cục bộ, từ năm 1969, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh với việc mở rộng chiến tranh ra toàn Việt Nam và Đông Dương.

Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan tình hình trong nước, quốc tế, thực tế chiến trường, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, ngay từ cuối năm 1967, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị...”.

Với nhận định đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã xây dựng lực lượng phòng không, không quân phát triển sẵn sàng cho cuộc quyết chiến chiến lược. Để nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của từng lực lượng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo đưa một số đơn vị tên lửa, radar, không quân, cán bộ khoa học, bộ phận kỹ thuật trực tiếp vào chiến trường để nghiên cứu đánh B-52 ngay khi loại máy bay ném bom chiến lược này xuất hiện tại chiến trường miền Nam.

Đặc biệt, với quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo, lực lượng phòng không ba thứ quân, kết hợp chặt chẽ bộ đội phòng không chủ lực, bộ đội phòng không địa phương và dân quân tự vệ tạo thành tấm lá chắn vững chắc, rộng khắp nhất là tại khu vực trọng điểm, xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp. Cùng với cả nước, quân và dân Hà Nội cũng sớm chủ động chuẩn bị ứng phó và có kế hoạch tác chiến khi B-52 xâm phạm không phận Thủ đô.

Đúng như dự báo, sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, tháng 4-1972, đế quốc Mỹ điên cuồng mở màn chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2. Đến ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon phê chuẩn chiến dịch Linebacker II đánh phá ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng bằng không quân với 193 máy bay B-52, gần 1.000 máy bay chiến thuật. Cùng với đó, 2 tàu sân bay, 2 tàu khu trục dẫn đường cũng được điều động tiến vào vịnh Bắc Bộ với mục tiêu đánh phá miền Bắc nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán Paris.

Để hạn chế tối đa thiệt hại về người, Hội đồng phòng không nhân dân thành phố đã chỉ đạo các khu phố, cơ quan, xí nghiệp, trường học kiên quyết sơ tán nhân dân bằng mọi hình thức, phương tiện. Đây được đánh giá là cuộc sơ tán lớn nhất kể từ khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc bằng không quân. Việc sơ tán không chỉ hạn chế thấp nhất thương vong mà còn tạo điều kiện cho các lực lượng chiến đấu của ta bám trụ, chiến đấu kiên cường, thuận lợi. Hàng hóa cũng được phân tán từ các kho lớn về nhiều kho nhỏ. Giao thông cũng được bảo đảm duy trì thông suốt khi bị tấn công, sập, hư hỏng.

Trên mặt trận an ninh, trật tự, toàn thành phố đã nhanh chóng xây dựng hàng nghìn ki lô mét hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân bảo đảm chỗ trú ẩn tránh bom cho 90 vạn người. 414 đài quan sát ở các huyện, khu cùng 36 đài quan sát của thành phố luôn sẵn sàng báo động từ xa... Với sự chuẩn bị chu đáo đó, ngay đêm 18-12-1972, khi Mỹ tiến hành tấn công bằng đường không vào Hà Nội, quân dân Thủ đô đã hoàn toàn chủ động, bình tĩnh ứng phó.

Viết nên bản anh hùng ca bất diệt

Cuộc tập kích bằng đường không trong 12 ngày đêm năm 1972 của đế quốc Mỹ được xem là cuộc ném bom hủy diệt man rợ. Thế nhưng, cùng với lực lượng phòng không quốc gia và các tỉnh, thành lân cận, quân dân Thủ đô Anh hùng đã thiết lập “lưới lửa phòng không” sáng tạo, hiệu quả.

Mạng lưới phòng không tầm trung và tầm thấp của quân dân Thủ đô được tổ chức rộng khắp với 346 đơn vị dân quân tự vệ, 1.428 khẩu cao xạ và súng máy phòng không, trong đó có 32 khẩu 100mm, 16 khẩu 85mm và 61 khẩu 37mm. Lực lượng đông đảo này đã cùng lực lượng phòng không chủ lực tầm cao của tên lửa và không quân khiến cho quân Mỹ không kịp trở tay.

Chỉ trong 12 ngày đêm, đã có 441 lượt máy bay B-52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật đã trút hơn 10 nghìn tấn bom, hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc. 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học... bị sập, phá hủy, hơn 2.300 dân thường thiệt mạng...

Nhưng như đã nói ở trên, với ý chí và sự chuẩn bị chu đáo, các lực lượng phòng không, không quân cùng quân dân Thủ đô đã đập tan âm mưu của cuộc tập kích chiến lược bằng B-52. 12 ngày đêm trong “vòng cung lửa”, Hà Nội cùng lực lượng phòng không, quân dân các địa phương đã bắn rơi 81 máy bay, gồm 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111A, 21 chiếc F-4CE...

Báo chí Mỹ khi đó đã lên án gay gắt hành động của chính quyền Richard Nixon, coi đó là sự lạm dụng sức mạnh một cách vô nhân đạo. Dẫu vậy, số lượng B-52 được mệnh danh là “pháo đài bất khả xâm phạm” rụng như sung trên bầu trời Hà Nội đã khiến không chỉ đế quốc Mỹ mà cộng đồng quốc tế thực sự choáng váng khi quân dân Việt Nam có thể làm được những điều tưởng như không tưởng đó. Một bản anh hùng ca bất diệt đã được viết lên trên bầu trời Hà Nội.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được xem như đòn “nốc ao” đối với chính quyền Tổng thống Richard Nixon, làm phá sản ý đồ xoay chuyển tình thế chiến lược của Mỹ trên bàn đàm phán Paris. Thất bại nặng nề khiến đế quốc Mỹ phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không bằng B-52, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, rồi sau đó buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973.

Điều 1 của Hiệp định ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Ge-nève năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.

Cùng với việc thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, Mỹ cũng cam kết chấm dứt dính líu quân sự, rút hết quân Mỹ và chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện. Hà Nội và miền Bắc xã hội chủ nghĩa bước vào khôi phục sản xuất, dốc toàn lực chi viện cho chiến trường miền Nam. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước từ đây bước sang một giai đoạn mới, thần tốc, vũ bão và kết thúc bằng Đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử.

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chien-thang-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong-tao-buoc-ngoat-tap-trung-toan-luc-giai-phong-mien-nam-700710.html
Zalo