Chiến sự Syria có nguy cơ bị 'kích hoạt' trở lại sau 8 năm

Lực lượng đối lập vũ trang Syria đã tiến vào Aleppo chỉ ba ngày sau cuộc tấn công bất ngờ, đánh dấu lần đầu tiên họ đặt chân vào thành phố lớn thứ hai của đất nước kể từ khi quân đội chính quyền chiếm lại thành phố này vào năm 2016.

Cuộc tấn công bất ngờ của quân nổi dậy sau 8 năm

Tuần này, lực lượng phiến quân đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ, quét qua nhiều ngôi làng bên ngoài thành phố và làm bùng phát lại cuộc xung đột vốn đã kéo dài nhiều năm.

Quân đội chính quyền của Syria cho biết họ đang phải đối mặt với một "cuộc tấn công lớn" và tuyên bố đang "tăng cường lực lượng tại mọi địa điểm dọc theo nhiều mặt trận khác nhau", nhưng nhiều cư dân trong thành phố cho biết lực lượng chính quyền đã rút lui khỏi một số khu phố ở phía tây Aleppo.

 Các chiến binh nổi dậy Syria tiến vào làng Anjara, phía tây Aleppo, vào thứ Năm. Ảnh: AP

Các chiến binh nổi dậy Syria tiến vào làng Anjara, phía tây Aleppo, vào thứ Năm. Ảnh: AP

Cuộc tấn công bắt đầu vào thứ Tư, là đợt bùng phát lớn đầu tiên sau nhiều năm giữa phe đối lập Syria và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, người đã lãnh đạo đất nước bị chiến tranh tàn phá này kể từ năm 2000.

“Lực lượng của chúng tôi đã bắt đầu tiến vào thành phố Aleppo”, liên minh đối lập vũ trang mới thành lập, Bộ tư lệnh tác chiến quân sự, cho biết.

Vào thứ Sáu, nhóm phiến quân cho biết họ đã giành quyền kiểm soát Trung tâm nghiên cứu khoa học quân sự của chính quyền Syria ở ngoại ô thành phố Aleppo sau "cuộc giao tranh dữ dội với lực lượng chính quyền và dân quân Iran".

Sau đó, nhóm này đã chia sẻ một đoạn video ghi lại cảnh xe tăng của chính quyền Syria rời khỏi Aleppo khi lực lượng phiến quân tiến quân. Lực lượng này cũng đã tiến sâu hơn vào thành phố trong suốt chiều thứ Sáu.

Trong một cuộc tấn công trước đó vào thứ Sáu, một quả đạn pháo đã bắn trúng khu nhà ở của sinh viên Đại học Aleppo, khiến bốn người thiệt mạng, theo hãng thông tấn nhà nước Syria, SANA.

Vào thứ năm, ít nhất 15 thường dân, bao gồm sáu trẻ em và hai phụ nữ, đã thiệt mạng, và 36 người khác bị thương trong các cuộc không kích và pháo kích vào các khu vực do phiến quân chiếm giữ ở vùng nông thôn Aleppo và Idlib - theo White Helmets, một nhóm cứu hộ tình nguyện, cho biết

Truyền thông nhà nước Iran cho biết Chuẩn tướng Kioumars Pourhashemi của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cũng đã thiệt mạng tại thành phố này.

Những cáo buộc đáng lo ngại

Trong cuộc gọi với người đồng cấp Syria để thảo luận về tình hình leo thang, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã cáo buộc Mỹ và Israel "kích hoạt lại" lực lượng phiến quân, đồng thời "nhấn mạnh sự ủng hộ liên tục" của Iran đối với chính quyền và quân đội Syria.

 Quân nổi dậy đang tiến sâu vào thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: AP

Quân nổi dậy đang tiến sâu vào thành phố Aleppo, Syria. Ảnh: AP

Chính quyền Syria đã đáp trả bằng các cuộc không kích vào thành phố Idlib, một trong những thành trì cuối cùng còn lại của phiến quân và là nơi sinh sống của hơn 4 triệu người. White Helmets cho biết "máy bay liên minh Nga-Syria" đã tấn công "các khu dân cư, một trạm xăng và một trường học ở thành phố Idlib" vào thứ Sáu.

Không quân Nga đã tiến hành một cuộc tấn công trên không vào lực lượng đối lập vũ trang Syria tại các tỉnh Aleppo và Idlib, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS. Nga tuyên bố đã tiêu diệt ít nhất 200 thành viên của Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), một nhóm thánh chiến Syria có tên gọi là Mặt trận Al-Nusra khi chúng có liên kết với Al Qaeda.

"Để hỗ trợ Quân đội Ả Rập Syria, Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đang tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom vào thiết bị và nhân lực của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, sở chỉ huy, nhà kho và vị trí pháo binh của bọn khủng bố", TASS đưa tin, đồng thời cho biết thêm rằng các hoạt động của Nga vẫn đang tiếp tục.

Trước đó vào thứ sáu, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã kêu gọi chính quyền Syria “nhanh chóng khôi phục trật tự tại khu vực này và khôi phục trật tự hiến pháp”. Cả Iran và Nga đều là đồng minh quan trọng của chính quyền Syria.

Nội chiến Syria, vì đâu nên nỗi?

Nội chiến Syria bắt đầu sau phong trào Mùa xuân Ả Rập năm 2011 khi chính quyền ông Assad phải đối mặt với các cuộc nổi loạn từ các nhóm ủng hộ dân chủ. Đất nước này rơi vào một cuộc nội chiến triền miên và toàn diện, khi một lực lượng phiến quân được thành lập, được gọi là Quân đội Syria Tự do, để chống lại chính quyền.

 Bản đồ cho thấy cuộc nội chiến đã chia cắt Syria thành nhiều khu vực (tính đến cuối năm 2022), với mỗi màu lại thuộc về một lực lượng khác nhau. Ảnh: Vividmaps

Bản đồ cho thấy cuộc nội chiến đã chia cắt Syria thành nhiều khu vực (tính đến cuối năm 2022), với mỗi màu lại thuộc về một lực lượng khác nhau. Ảnh: Vividmaps

Nội chiến đã khiến Syria bất ổn nghiêm trọng và gần như không có lối thoát, đất nước bị “chia năm xẻ bảy” với hàng triệu người dân phải rời bỏ nhà cửa và đi tị nạn trên khắp thế giới. Ả Rập Xê Út, Iran, Mỹ, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ đều đang tham gia ủng hộ mỗi bên khác nhau trong cuộc chiến, khiến các nhà quan sát mô tả đây là “cuộc hỗn chiến ủy nhiệm”. Ngay cả nhóm khủng bố IS cũng có thể giành được chỗ đứng trong sự bất ổn và loạn lạc ở nước này.

Kể từ thỏa thuận ngừng bắn năm 2020, cuộc xung đột vẫn chủ yếu diễn ra âm ỉ, với các cuộc đụng độ cấp thấp giữa quân nổi dậy và chính quyền, cũng như nỗ lực xoa dịu khủng hoảng của ông Assad.

Tuy nhiên, các cuộc chiến tàn khốc gần đây ở Trung Đông và căng thẳng leo thang giữa các cường quốc đang khiến chiến sự Syria có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo Liên hợp quốc, hơn 300.000 thường dân đã thiệt mạng trong hơn một thập kỷ chiến tranh và hàng triệu người đã phải di dời trên khắp khu vực.

Hoàng Anh (theo AP, TASS, CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chien-su-syria-co-nguy-co-bi-kich-hoat-tro-lai-sau-8-nam-post323543.html
Zalo