Chiến lược giữ đồng nội tệ ở mức thấp của các nước Đông Nam Á đang phản tác dụng

Đồng rupiah của Indonesia, nằm trong số những đồng tiền có diễn biến tệ nhất tại châu Á, gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 4/2020.

Nhân viên phòng giao dịch hối đoái kiểm tiền giấy rupiah tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên phòng giao dịch hối đoái kiểm tiền giấy rupiah tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Chính phủ các nước Đông Nam Á đã dành phần lớn thời gian trong thập kỷ qua để giữ đồng nội tệ của họ ở mức thấp như một cách để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu và du lịch. Chiến lược này hiện đang phản tác dụng khi bất ổn địa chính trị thúc đẩy lạm phát toàn cầu. Tỷ giá hối đoái suy giảm đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Một phần của vấn đề là động lực mới nằm trong tay các quan chức ở Washington nhiều hơn là ở Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta hay Manila. Các thành viên Hội đồng điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc các động thái bổ sung để thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này có thể thúc đẩy đồng USD tăng giá hơn nữa, gây tổn hại cho châu Á khi dòng vốn chảy vào Mỹ tăng tốc.

Dấu ấn năm 1997 thật khó để quên. Đông Nam Á đã đi được một chặng đường dài kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực. Hoạt động của các ngân hàng tại đây đã ổn định và minh bạch hơn nhiều, thị trường biến động khó lường hơn, mối liên kết giữa khu vực công và tư bớt phức tạp hơn và dự trữ ngoại hối dồi dào.

Nhưng cũng giống như 26 năm trước, nguy cơ thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức của Fed là một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu. Hậu quả lạm phát đến từ cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas là không thể dự đoán được. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là Đông Nam Á phải đối mặt với một mục tiêu cân bằng bấp bênh: Hạn chế thiệt hại do giá năng lượng tăng cao trong khi vẫn giữ lãi suất đủ thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Việc Ngân hàng trung ương Indonesia bất ngờ tăng lãi suất vào ngày 19/10 đã làm nổi bật nỗ lực khó khăn mà các ngân hàng trung ương châu Á phải đối mặt trong việc bảo vệ đồng nội tệ và kiềm chế lạm phát. Lãi suất chuẩn của Indonesia mới đây nhất đã tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 6%. Mức tăng khiêm tốn nhưng khiến các nhà đầu tư hoàn toàn bất ngờ vì tỷ lệ lạm phát của Indonesia trong tháng 9/2023 là 2,3% - thấp so với tỷ lệ lạm phát của các nước láng giềng.

Đồng rupiah của Indonesia, nằm trong số những đồng tiền có diễn biến tệ nhất tại châu Á, gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ tháng 4/2020.

Ngân hàng trung ương Indonesia đang gợi ý về sự can thiệp vào thị trường tiền tệ để hạn chế sự trượt giá của đồng rupiah. Khả năng ngân hàng này hành động mạnh tay có thể tỷ lệ thuận với đà tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ, hiện ở mức cao nhất trong 17 năm và thu hút nguồn vốn mà châu Á đang rất cần.

Indonesia là điển hình cho quan ngại ngày càng tăng chính sách châu Á. Đồng baht, đồng tiền khiến Thái Lan trở thành điểm dừng trong cuộc khủng hoảng năm 1997, cũng là một trong những đồng tiền có tỷ giá giảm mạnh nhất tại châu Á trong năm nay. Mối lo ngại về “sức khỏe tài chính” của Thái Lan đang gia tăng khi căng thẳng ở Trung Đông thúc đẩy giá dầu tăng cao.

Cùng với hóa đơn nhập khẩu năng lượng ngày càng tăng của Thái Lan, các thương nhân đang chú ý đến kế hoạch của Chính phủ mới nhằm nâng giá trị các khoản vay khoảng 8%, lên 2.430 tỷ baht (66,6 tỷ USD) trong năm tài khóa tiếp theo.

Trong khi đó, nhu cầu xuất khẩu eo hẹp hơn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ điều chỉnh theo chi phí vay "cao hơn trong thời gian dài hơn". Điều này khiến Thái Lan và các nước láng giềng phải vật lộn để tận dụng tỷ giá hối đoái thấp.

Vấn đề là mặc dù Đông Nam Á đã đạt được những tiến bộ trong việc nâng tầm nền kinh tế nhưng khu vực này vẫn quá phụ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng. Chưa bao giờ các chính phủ Đông Nam Á cần phải hành động táo bạo hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước bằng cách khuyến khích đổi mới và tăng năng suất, cũng như sẵn sàng chấp nhận sự gián đoạn. Cải cách dài hạn phải đi đôi với quản lý tiền tệ ngắn hạn. Nếu không, tiềm năng tăng trưởng của Đông Nam Á có thể phải trả giá đắt.

Đồng ringgit của Malaysia - giảm hơn 8,5% so với đồng USD trong năm nay - đã giảm gần gấp đôi so với đồng baht của Thái Lan. Ngân hàng trung ương Malaysia đã chậm chạp trong việc thu hẹp khoảng cách lãi suất với Mỹ và quốc gia này cũng dễ bị ảnh hưởng bởi đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc hơn nhiều nước láng giềng Thái Lan.

Những xu hướng này khiến Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim phải chuyển hướng khỏi việc giao dịch bằng đồng USD ở mức tối đa mà một nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại có thể làm được vào khoảng năm 2023. Malaysia đang ưu tiên sử dụng đồng nội tệ để giao dịch với Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan.

Philippines dường như cũng có xu hướng tiếp bước Indonesia. Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Ngân hàng trung ương Philippines vào ngày 21/9 có cảnh báo rằng “rủi ro đối với triển vọng lạm phát vẫn có xu hướng tăng trong giai đoạn 2023 đến 2025 và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu lạm phát vào năm 2024".

Như vậy, năm 2024 có thể là năm thứ ba liên tiếp năng không đạt mục tiêu lạm phát.

Philippines không chỉ phải gánh chịu hậu quả do giá dầu tăng cao mà còn do chi phí vận tải và điện năng tăng vọt. Do đó, các quan chức của Ngân hàng trung ương Philippines đang tập trung vào việc nối lại chính sách thắt chặt tiền tệ.

Năm tới có vẻ là giai đoạn “thắt dây an toàn” đối với Đông Nam Á- một khu vực vẫn còn chưa phục hồi hoàn toàn khỏi những biến cố cách đây 1/4 thế kỷ. Đương nhiên, ưu tiên hàng đầu của khu vực là giảm thiểu hậu quả ngay lập tức. Tuy nhiên, việc củng cố khả năng đa nhiệm sẽ giúp ích rất nhiều cho tương lai của Đông Nam Á./.

Minh Trang/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chien-luoc-giu-dong-noi-te-o-muc-thap-cua-cac-nuoc-dong-nam-a-dang-phan-tac-dung/313509.html
Zalo