Chiến lược đại dương xanh của Ford
Công ty Ford đã vô hiệu hóa mọi cạnh tranh. Thay vì chạy theo những chiếc xe đắt tiền, Ford tạo ra những chiếc xe hơi tầm trung cho đại đa số người dân.
Đặc điểm nhất quán
Hình thức có thể thay đổi, nhưng chiến lược đại dương xanh luôn tồn tại dù các công ty có nhận ra hay không. Hãy cùng xem xét những điều nổi bật giữa trải nghiệm của gánh xiếc Cirque và việc tạo ra loạt ôtô Model T của Ford.
Vào cuối thế kỷ XIX, ngành công nghiệp ô tô có quy mô rất nhỏ và không mấy hấp dẫn. Hơn 500 nhà sản xuất ô tô tại Mỹ chỉ tạo ra những loại xe hơi xa xỉ với giá khoảng 1500 đô-la dành cho những người cực kỳ giàu có.
Những người phản đối xe hơi tràn ra đường phố, chăng dây thép gai qua những chiếc xe đậu dọc đường và tổ chức các hoạt động tẩy chay những doanh nhân và chính trị gia lái xe hơi. Ngay cả tổng thống tương lai Woodrow Wilson cũng phải chú ý tới, ông nói “Không gì có thể truyền đi cảm giác chống đối mạnh mẽ trong xã hội như một chiếc xe hơi”. Và ông gọi đó là “biểu tượng hợm hĩnh của sự giàu có”.
Thay vì cố gắng tranh đấu giành thị phần với những công ty chế tạo xe hơi khác, Ford tái cấu trúc lại ranh giới của xe hơi và xe ngựa kéo để tạo ra đại dương xanh. Vào thời đó, xe ngựa kéo là phương tiện giao thông đầu tiên ở Mỹ. Xe kéo có hai tính năng khác biệt so với xe hơi.
Thứ nhất, ngựa kéo có thể dễ dàng vượt qua những đoạn đường lầy lội gập ghềnh - đặc biệt trong thời tiết mưa hay tuyết rơi. Thứ hai, ngựa và xe kéo là thứ mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận chứ không giống những chiếc xe hơi xa xỉ, mỗi khi hỏng phải cần đến những người sửa chữa với giá cao và khó tìm. Chính sự khác biệt này đã khiến cho Henry Ford tìm ra cách thoát khỏi thế cạnh tranh và chớp lấy nguồn nhu cầu khổng lồ.
Ford gọi chiếc xe Model T là “chiếc xe đa chức năng và được chế tạo từ những vật liệu tốt nhất”. Cũng giống như Cirque, công ty Ford đã vô hiệu hóa mọi cạnh tranh. Thay vì chạy theo những chiếc xe đắt tiền, Ford tạo ra những chiếc xe hơi tầm trung cho đại đa số người dân. Chiếc xe đó giống với xe ngựa kéo và được dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Model T chỉ có màu đen.
Nó chạy ổn định, rất bền và có thể chạy liên tục trên đường bẩn, lầy do mưa hay tuyết rơi. Nó cũng dễ sử dụng và sửa chữa, chỉ cần học một ngày là có thể biết lái. Và giống như Cirque, Ford cũng tạo điểm nhấn vào giá cả, nhìn vào một chiếc xe ngựa kéo giá 400 đô-la chứ không phải những chiếc xe hơi đắt đỏ. Năm 1908, chiếc xe Model T đầu tiên ra đời với giá 850 đô-la, năm 1909 giá giảm còn 609 đô-la, và năm 1924 là 290 đô-la.
Với mức giá này, Ford lôi kéo những người mua xe ngựa kéo chuyển sang mua ôtô - giống như Cirque biến người đi xem kịch thành người đi xem xiếc. Và cuối cùng, sản lượng bán ra của Model T tăng vọt. Giá cổ phiếu của Ford tăng từ 9% năm 1908 lên 61% năm 1921 và đến năm 1923, phần đa các hộ gia đình ở Mỹ đều sở hữu ô tô.
Mặc dù Ford đã cung cấp cho khách hàng một bước nhảy vọt về giá trị nhưng nó cũng thành công trong việc giảm tối đa cấu trúc chi phí - giống như Cirque đã làm trước đây. Sở dĩ Ford có thể làm điều này là vì họ đã áp dụng dây chuyền sản xuất hàng loạt thay thế công nhân lành nghề bằng những người lao động thông thường, không lành nghề. Những người này có thể thực hiện từng công đoạn nhỏ nhanh hơn và hiệu quả hơn, chi phí trả cho họ cũng thấp hơn.
Đại dương xanh và đỏ tồn tại đồng thời và sẽ luôn luôn như thế. Vì vậy, nó đòi hỏi các công ty phải hiểu được logic chiến lược của cả hai đại dương. Hiện tại, cạnh tranh trong đại dương đỏ vẫn là chủ chốt cả trên lý thuyết và thực tế, thậm chí ngay cả khi các doanh nghiệp cần tạo ra những khoảng đại dương xanh. Đã đến lúc chúng ta cân bằng phạm vi hai loại chiến lược cũng như cân bằng những nỗ lực của chúng ta trên cả hai đại dương.
Mặc dù luôn có các chiến lược gia đại dương xanh, nhưng rất nhiều chiến lược của họ còn chưa được biết đến. Nhưng một khi các công ty nhận ra rằng các chiến lược tạo và nắm bắt đại dương xanh có logic cơ bản hoàn toàn khác đại dương đỏ thì họ sẽ tạo ra nhiều hơn nữa những đại dương xanh trong tương lai.