Chiến dịch sa thải của ông Trump gây choáng váng
Nhiều công chức liên bang đã 'sốc nặng' trước tình hình biến động sau sự trở lại của Tổng thống Donald Trump, đi kèm là chiến dịch trả đũa khiến nhiều quan chức choáng váng.
Kể từ khi trở lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng vào ngày 20/1, Tổng thống Donald Trump được cho là đã khởi động chiến dịch trả đũa các quan chức từng phục vụ ông song đã bày tỏ thái độ chống đối hoặc công khai chỉ trích tổng thống.
Ông Trump đã thu hồi đội mật vụ bảo vệ đối với ba quan chức an ninh quốc gia cấp cao từng phục vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông tại Nhà Trắng, bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cựu trợ lý ngoại trưởng Brian Hook.
Thông qua mạng xã hội, tổng thống đương nhiệm đã thông báo sa thải nhiều quan chức cấp cao khác, đồng thời tước quyền miễn trừ an ninh của 51 cựu quan chức tình báo vì nghi ngờ các báo cáo xoay quanh vụ án của Hunter Biden.
Một số đối thủ chính trị của ông Trump, đơn cử như chuyên gia bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci đã lường trước khả năng bị tổng thống trả đũa và được cựu Tổng thống Joe Biden ân xá từ trước khi rời nhiệm sở để phòng hờ.
Dẫu vậy, nhiều công chức liên bang vẫn cảm thấy choáng váng trước chiến dịch trả đũa diện rộng của Tổng thống Trump, theo Guardian.
Nhiều người "sốc nặng"
"Câu nói tôi nghe nhiều nhất từ những người đã từ chức song vẫn nói chuyện với các quan chức tại nhiệm là: 'Tôi biết mọi thứ sẽ không dễ dàng gì nhưng tôi không ngờ nó sẽ gắt đến mức này'", Mark Bergman, luật sư kỳ cựu của đảng Dân chủ, nói.
"Mọi người hẳn là sốc nặng", ông Bergman nhận xét. "Tôi nghĩ ông Trump hẳn là đã bị thúc đẩy bởi nỗ lực trả đũa và chương trình nghị sự".
Một loạt công chức liên bang thuộc Bộ Tư pháp đã bị sa thải dù có biên chế sau khi được thông báo rằng họ không đáng tin cậy để thực hiện kế hoạch của Tổng thống Trump, theo Guardian.
Danh sách trả đũa bao gồm các luật sư thuộc đội ngũ của Công tố viên đặc biệt Jack Smith tham gia điều tra hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Bên cạnh đó, hơn 30 thanh tra chính phủ chịu trách nhiệm loại bỏ tham nhũng và hành vi sai trái cũng bị sa thải hàng loạt vào tối 31/1 (giờ địa phương) mà không có thông báo trước 30 ngày cho Quốc hội.
Khoảng 60 viên chức cấp cao của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã bị cho nghỉ việc sau khi đối mặt với cáo buộc cố gắng lách lệnh đóng băng mọi hoạt động viện trợ trên toàn thế giới của chính quyền mới.
Một số nhân viên cấp cao khác bị thuyên chuyển công tác từ lĩnh vực chuyên môn sang các vị trí khó nhằn hơn khi không thể chứng minh mức độ trung thành với chính quyền Tổng thống Trump, theo Guardian.
Nhiều viên chức lâu năm trong bộ phận hình sự và dân quyền thuộc Bộ Tư pháp đã được điều chuyển đến các đơn vị mới thành lập nhằm giúp thực thi chiến dịch trấn áp nhập cư tại các đô thị áp dụng sắc lệnh "thành phố trú ẩn".
"Nhiều người đang bị sa thải, điều chuyển hoặc gây áp lực nếu họ không tuyên bố gắn kết với sứ mệnh, vốn là cụm từ mà nhóm chuyển giao quyền lực sử dụng để ám chỉ rằng họ cần tuân thủ mệnh lệnh của tổng thống bất chấp điều đó có hợp lệ hay không", ông Bergman nói.
"Lộ trình trả đũa"
Trong nội bộ chính quyền liên bang đã xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy chiến dịch trả đũa sẽ được tiếp tục, theo Guardian.
Sắc lệnh hành pháp mang tên "chấm dứt việc vũ khí hóa chính phủ liên bang" đã được mô tả là một "lộ trình trả đũa".
Sắc lệnh này chỉ thị bộ trưởng Tư pháp và giám đốc tình báo quốc gia "xem xét các hoạt động của tất cả cơ quan thực hiện thẩm quyền thực thi dân sự hoặc hình sự" trong bốn năm qua, bao gồm Bộ Tư pháp, Ủy ban Chứng khoán - Giao dịch và Ủy ban Thương mại Liên bang.
Những cơ quan nói trên đều tham gia vào các cuộc điều tra hình sự đối với ông Trump sau năm 2020.
Joel Hirschhorn, một luật sư bào chữa kỳ cựu tại Washington, gọi sắc lệnh hành pháp nói trên là "một lộ trình trả đũa rõ ràng nhất mà chúng ta có thể bắt gặp".