Chiến dịch Hồ Chí Minh: Thành công của cách đánh 'nở hoa trong lòng địch'

Nhân tố trực tiếp, nòng cốt tạo nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là ta đã tổ chức cách đánh chiến dịch thọc sâu (còn gọi 'nở hoa trong lòng địch') rất khoa học.

Cách đây 50 năm, từ ngày 26 - 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta thực hiện thành công Chiến dịch Hồ Chí Minh, đập tan cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Trung tá, TS Trần Hữu Huy - Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam nhận định: Nhân tố trực tiếp, nòng cốt tạo nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là ta đã tổ chức cách đánh chiến dịch thọc sâu (còn gọi “nở hoa trong lòng địch”) rất khoa học, sáng tạo.

Chiến dịch có quy mô lớn nhất

PV: Trung tá có thể khái quát những nét lớn, đặc sắc nhất về Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975?

Trung tá, TS Trần Hữu Huy: Thứ nhất, mục tiêu của chiến dịch này cao nhất: “Đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để”. Cụ thể là tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo thành ưu thế áp đảo đánh thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch thuộc quân khu 3 và tàn quân còn lại, đập tan ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1945 - 1975), quân đội ta thực hiện gần 100 chiến dịch khác nhau, nhưng chưa có chiến dịch nào mà ta đề ra mục tiêu cao và mang tính triệt để như Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cánh quân phía Đông Bắc của Quân giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thắng về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa, tiêu diệt và làm tan rã Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy, Sư đoàn Bộ binh số 18, lực lượng lĩnh thủy đánh bộ, lính nhảy dù, lính thiết giáp ngụy ở Long Bình. Ảnh: Vũ Tạo - TTXVN

Cánh quân phía Đông Bắc của Quân giải phóng vượt xa lộ Biên Hòa, phát triển đánh thắng về Sài Gòn sau khi tấn công tiêu diệt tập đoàn phòng ngự Biên Hòa, tiêu diệt và làm tan rã Sở Chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy, Sư đoàn Bộ binh số 18, lực lượng lĩnh thủy đánh bộ, lính nhảy dù, lính thiết giáp ngụy ở Long Bình. Ảnh: Vũ Tạo - TTXVN

Thứ hai, đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất của quân đội ta. Ta huy động hầu hết lực lượng cơ động chiến lược của cả nước tham gia, bao gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn). Tổng quân số chủ lực lên đến 250.000 người, bao gồm 15 sư đoàn, 1 lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp; 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 1 trung đoàn tên lửa, một bộ phận không quân, hải quân cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trên địa bàn diễn ra chiến dịch. Về binh khí kỹ thuật, ta tập trung 516 khẩu pháo, 550 khẩu cao xạ, tên lửa, 320 xe tăng, thiết giáp, 1 đại đội máy bay A37. Ta đã huy động được hơn 1.600 xe kỹ thuật chiến đấu, hơn 10.000 xe vận tải, gần 60.000 tấn vật chất, trong đó có 15.000 tấn đạn (190.000 viên đạn pháo lớn)...

Tiến sĩ, Trung tá Trần Hữu Huy

Thứ ba, chiến dịch đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất. Từ lúc mở màn (hồi 17 giờ ngày 26/4) cho đến khi kết thúc (hồi 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng hơn 90 giờ đồng hồ) nhưng đã giành được toàn thắng, hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đề ra. Ta diệt, bắt và làm tan rã khoảng 250 nghìn quân địch; thu 500 pháo, hơn 400 xe tăng và xe thiết giáp, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 3 nghìn xe quân sự, 270 nghìn súng các loại cùng nhiều trang bị quân sự. Về phía ta, có hơn 6.000 người thương vong, gần 100 xe cơ giới bị phá hủy, trong đó có 33 xe tăng. Đặc biệt là ta đã giữ được thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, làm thể giới kinh ngạc.

Thứ tư, thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc tiêu biểu của nhân dân Việt Nam (1945 - 1975), mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên độc lập, thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng với các chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ,... đã cắm thêm một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. Ánh TTXVN.

Niềm vui hiện rõ trên gương mặt người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. Ánh TTXVN.

Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng

PV: Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, vậy ý định, quyết tâm mở Chiến dịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị đề ra từ khi nào, thưa Trung tá?

Trung tá, TS Trần Hữu Huy: Hội nghị Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/1/1975) hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976; đồng thời cũng nêu rõ, nếu thời cơ đến sớm hơn thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Tại hội nghị này, Bộ Chính trị đã xác định đòn tiến công chiến lược cuối cùng của quân dân ta sẽ là vào Sài Gòn - sào huyệt của địch. Nghị quyết nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện, chúng ta sẽ tùy theo diễn biến của các trận chiến đấu trên chiến trường mà chỉ đạo, chỉ huy, đánh mạnh nhất, bất ngờ nhất, nhằm tiến tới đích nhanh nhất, thắng gọn nhất và triệt để nhất ở Sài Gòn”. Như vậy, ý định mở chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn đã được Bộ Chính trị xác định từ sớm, đồng thời với việc hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Từ ngày 4/3/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 chính thức bắt đầu. Chỉ trong vòng gần một tháng, ta đã giành thắng lợi lớn khi giải phóng Tây Nguyên (ngày 24/3), Huế (ngày 26/3), Đà Nẵng (ngày 29/3) và nhiều tỉnh ven biển miền Trung. Đến đây, cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo; địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Đế quốc Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của chế độ Sài Gòn

Ngay trong ngày giải phóng Đà Nẵng, thấy được thời cơ hết sức thuận lợi, vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 29/3/1975, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã điện gửi các đồng chí trong chiến trường miền Nam, nói rõ: “Lúc này cần hành động hết sức kịp thời, kiên quyết và táo bạo. Trên thực tế có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây”.

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn đánh giá tình hình và nhận định thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Trên cơ sở đó đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4/1975. Như vậy, quyết tâm mở Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được Bộ Chính trị đề ra từ cuối tháng 3/1975.

Ngày 6/4/1975, Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Ngày 8/4/1974, quyết định này được công bố chính thức tại căn cứ Sở Chỉ huy (Lộc Ninh, Tây Ninh).

Ngày 14/4/1975, giữa lúc quân và dân ta trên các hướng tiến công đang khẩn trương tạo thế, tạo lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ đáp ứng được ý nguyện của toàn dân tộc đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu suốt đời hy sinh vì dân, vì nước, mà còn khẳng định ý chí, niềm tin quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào chiến dịch lịch sử mang tên Người - giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (tháng 4/1975).

Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn (tháng 4/1975).

PV: Thưa Trung tá, Chiến dịch Hồ Chí Minh đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt ta giữ được thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Có nhiều nhân tố làm nên kết quả đó, vậy nhân tố nào đóng vai trò trực tiếp, nòng cốt?

Trung tá, TS Trần Hữu Huy: Nhân tố trực tiếp, nòng cốt tạo nên kết quả đó là ta đã tổ chức cách đánh chiến dịch thọc sâu (còn gọi “nở hoa trong lòng địch”) rất khoa học, sáng tạo.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta chiếm ưu thế áp đảo cả về thế và lực so với địch (tỉ lệ ta/địch là 1,7/1 về chủ lực và 3/1 về đơn vị tập trung). Yêu cầu mà Bộ Chính trị đề ra cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch là phải tiến công nhanh chóng, triệt để, sớm giải phóng Sài Gòn - Gia Định, bảo đảm giảm thiểu sự thiệt hại về người và vật chất, giảm thiểu sự tàn phá của chiến tranh.

Thông thường, trong các trận đánh lớn của ta vào đô thị trước đây (gần nhất là trận tiến công thị xã Buôn Ma Thuột), lực lượng địch tập trung phòng thủ nhiều ở nội đô, nhưng với Sài Gòn thì có sự khác. Trong nội thành, địch tổ chức phòng thủ thành 5 liên khu do toàn bộ lực lượng cảnh sát, phòng vệ dân sự phụ trách. Ở vòng ngoài, chúng bố trí hầu như toàn bộ các sư đoàn, đơn vị chủ lực mạnh để ngăn chặn quân ta từ xa 30 - 50km, đề phòng khi bị tiến công, chúng sẽ từng bước lùi dần và co cụm về Sài Gòn “tử thủ”.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng cách đánh thọc sâu rất khoa học, sáng tạo, đó là: Sử dụng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, tiêu diệt, làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm về nội đô; đồng thời, tập trung đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ven đô, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đầu não địch đã được lựa chọn trong nội thành (Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất). Với cách đánh như vậy, ta phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng, đạt hiệu suất cao nhất. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi vẻ vang đã khẳng định cho cách đánh này là hoàn toàn đúng đắn, khoa học, sáng tạo. Thành công này đánh dấu bước phát triển tới đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng, trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc nói chung (1945 - 1975).

PV: Xin cảm ơn Trung tá, TS Trần Hữu Huy!

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chien-dich-ho-chi-minh-thanh-cong-cua-cach-danh-no-hoa-trong-long-dich-post1195051.vov
Zalo