Chiêm ngưỡng Bảo tàng hộp nhạc Otaru hơn trăm tuổi ở Nhật Bản

Đến với thành phố cảng Otaru, tỉnh Hokkaido của Nhật Bản, nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây từ rất sớm, những du khách quốc tế không thể bỏ qua Bảo tàng hộp nhạc Otaru có tuổi đời hơn 100 năm.

Hộp nhạc tinh xảo đến từng chi tiết bên trong Bảo tàng.

Hộp nhạc tinh xảo đến từng chi tiết bên trong Bảo tàng.

Nơi đây trưng bày và bán khoảng 3.200 loại hộp nhạc với tổng cộng 38.000 chiếc, thực sự là điểm đến lý tưởng cho những người đam mê sưu tầm hộp nhạc trên thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, tòa nhà nơi Bảo tàng hộp nhạc tọa lạc được xây dựng từ năm Đại Chính thứ 4 (1915), ban đầu là trụ sở của Công ty Kyosei - một trong những doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo hàng đầu tại Hokkaido thời bấy giờ. Với tuổi đời hơn một thế kỷ, công trình này đã được thành phố Otaru công nhận là “công trình kiến trúc lịch sử”, góp phần tôn lên nét quyến rũ độc đáo cho những chiếc hộp nhạc được trưng bày tại đây.

Trước cửa Bảo tàng là chiếc đồng hồ hơi nước lớn, được xem là “chị em” với đồng hồ hơi nước nổi tiếng ở thị trấn Gastown (Vancouver, Canada), do cùng được chế tác bởi nghệ nhân Raymond Saunders. Chiếc đồng hồ được thiết kế theo phong cách Anh, làm bằng đồng thau, cao 5,5 m, nặng 1,5 tấn và được xem là đồng hồ hơi nước lớn nhất thế giới. Đồng hồ vận hành bằng điện, điều khiển bằng máy tính để tạo hơi nước từ nồi hơi. Cứ mỗi 15 phút, năm chiếc còi hơi phía trên phát ra âm thanh êm dịu, vang lên cùng giai điệu báo giờ, thu hút cả du khách lẫn người dân địa phương dừng bước, lắng nghe và cảm nhận sự thư thái.

Những hộp nhạc mang đặc trưng văn hóa Nhật Bản.

Những hộp nhạc mang đặc trưng văn hóa Nhật Bản.

Bước vào bên trong Bảo tàng, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi hàng ngàn chiếc hộp nhạc với đủ màu sắc, kích cỡ, loại hình, chuyển động. Tại đây trưng bày nhiều loại hộp nhạc tinh xảo, từ hộp trang sức bằng hợp kim antimony lấp lánh, hộp nhạc kính vạn hoa độc đáo, đến các sản phẩm thủ công truyền thống Nhật Bản như sơn mài Aizu hay vải Chirimen…, với đủ loại chất liệu từ gỗ, thủy tinh, nhựa và ngay cả thú nhồi bông. Điều thú vị là du khách không chỉ tìm cho mình được những chiếc hộp xinh xắn, mà còn có thể lựa chọn cả những bài hát yêu thích như “Top of the world” của Carpenters hay những ca khúc bất hủ của các nghệ sĩ thế giới.

Bên cạnh những sản phẩm đại trà, có thể mua làm quà tặng hoặc đồ lưu niệm, Bảo tàng cũng trưng bày và bán các sản phẩm hộp nhạc cao cấp với các thương hiệu nổi tiếng như Reuge của Thụy Sỹ hay Orpheus của Nhật Bản. Tại đây, các “tín đồ” hộp nhạc cũng có thể đặt hàng theo yêu cầu đối với từng loại theo sở thích cá nhân.

Đa dạng các loại hình hộp nhạc bên trong Bảo tàng hộp nhạc Otaru.

Đa dạng các loại hình hộp nhạc bên trong Bảo tàng hộp nhạc Otaru.

Bảo tàng cũng dành một không gian riêng để giới thiệu về lịch sử hộp nhạc và quá trình chế tác từ giai đoạn sơ khai của thế kỷ 16 đến những kỹ thuật tinh xảo hiện đại ngày nay. Theo đó, hộp nhạc có nguồn gốc từ châu Âu thời Trung cổ, khi tiếng chuông nhà thờ được dùng để báo giờ cho người dân. Để tự động hóa quá trình này, thiết bị gọi là Carillon – một hệ thống chuông chơi nhạc tự động – đã ra đời. Carillon đầu tiên được lắp đặt tại Nhà thờ Thánh Nicolas ở Brussels vào năm 1381 và được xem là khởi nguồn của hộp nhạc hiện đại.

Nhờ sự phát minh ra bộ dây cót, công nghệ chế tác đồng hồ đã có những tiến bộ vượt bậc. Đến thập niên 1780, các nghệ nhân đồng hồ đã chế tạo những chiếc đồng hồ dành cho giới quý tộc có tích hợp nhạc chuông hoặc nhạc organ. Đến năm 1796, nghệ nhân người Thụy Sĩ Antoine Favre đã phát minh ra hộp nhạc hình trụ đầu tiên. Đến khoảng năm 1840, các thợ đồng hồ tại vùng Jura (Thụy Sĩ) bắt đầu sản xuất hàng loạt hộp nhạc bằng phương thức thủ công trong gia đình.

Du khách như lạc vào thế giới hộp nhạc ở Bảo tàng hộp nhạc Otaru.

Du khách như lạc vào thế giới hộp nhạc ở Bảo tàng hộp nhạc Otaru.

Năm 1886, tại Đức, hộp nhạc đĩa (Disc Music Box) ra đời - cho phép thay đĩa để chơi nhiều bài khác nhau, khắc phục điểm yếu của hộp nhạc hình trụ. Việc này đã mở đường cho sản xuất công nghiệp, biến hộp nhạc thành một ngành công nghiệp lớn tại Đức. Đến năm 1877, Thomas Edison phát minh ra máy ghi âm và đến khoảng năm 1910, máy ghi âm trở nên phổ biến, khiến hộp nhạc dần bị lãng quên. Dù một số nhạc cụ như piano tự động hay đàn organ đường phố vẫn được ưa chuộng, nhưng đến thập niên 1920, hầu hết các nhà sản xuất hộp nhạc đều đã ngừng hoạt động.

Tại Nhật Bản, hộp nhạc được du nhập vào năm 1852 bởi người Hà Lan và từng tạo nên “cơn sốt” trước khi bước vào giai đoạn thoái trào. Đến nay, hộp nhạc chủ yếu được sử dụng làm quà lưu niệm hoặc quà tặng cho bạn bè và người thân.

Bài, ảnh: Phạm Tuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/chiem-nguong-bao-tang-hop-nhac-otaru-hon-tram-tuoi-o-nhat-ban-20250508181232864.htm
Zalo