Chiếc nhẫn Ngư phủ của Giáo hoàng Francis sẽ bị phá hủy, tại sao?
Sự ra đi của Giáo hoàng Francis kích hoạt một loạt các nghi lễ có nguồn gốc sâu xa, trong đó có nghi lễ phá hủy chiếc nhẫn Ngư phủ lịch sử - một biểu tượng mạnh mẽ của quyền lực giáo hoàng.
Ngày 21-4, Giáo hoàng Francis qua đời, hưởng thọ 88 tuổi. Sự ra đi của giáo hoàng đánh dấu một thời khắc quan trọng đối với Giáo hội Công giáo, đồng thời kích hoạt một loạt các nghi lễ có nguồn gốc sâu xa, bao gồm nghi lễ phá hủy chiếc nhẫn Ngư phủ lịch sử - một biểu tượng mạnh mẽ của quyền lực giáo hoàng, theo đài CNN.
Theo truyền thống, Hồng y Nhiếp chính của Giáo hội Công giáo – vị hồng y cấp cao được chỉ định giám sát giai đoạn chuyển tiếp – sẽ phá hủy chiếc nhẫn và ấn bulla (con dấu chính thức trong các văn kiện và tài liệu của giáo hoàng) trước sự chứng kiến của Hồng y đoàn, sau khi thông báo giáo hoàng qua đời.
Ý nghĩa của chiếc nhẫn Ngư phủ

Chiếc nhẫn Ngư phủ của Giáo hoàng Francis. Ảnh: AFP
Nhẫn Ngư phủ được coi là một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất của Giáo hoàng, có lịch sử từ thế kỷ 13. Nhẫn được đặt tên theo Thánh Peter - vị tông đồ làm nghề đánh cá và theo truyền thống Công giáo là giáo hoàng đầu tiên.
Mỗi đời giáo hoàng mới sẽ được trao nhẫn và ấn riêng, và để ngăn việc làm giả tài liệu sau khi ngài qua đời, cả hai vật này sẽ bị đập vỡ bằng búa.
Những chiếc nhẫn Ngư phủ qua các thời kỳ đều khác nhau, thường khắc hình Thánh Peter và chìa khóa Thiên đàng – biểu tượng quyền lực tối cao của Tòa thánh Vatican. Tuy nhiên, thiết kế nhẫn không cố định mà thường phản ánh thời đại hoặc phong cách của từng giáo hoàng.
Việc phá hủy nhẫn Ngư phủ nhằm mục đích chính giúp ngăn chặn mọi khả năng chiếc nhẫn bị sử dụng sai mục đích hoặc sao chép, điều này có thể dẫn đến những tuyên bố gian lận về thẩm quyền của giáo hoàng.
Bên cạnh đó, việc phá hủy chiếc nhẫn tượng trưng cho sự kết thúc của triều đại giáo hoàng. Bằng cách loại bỏ biểu tượng vật lý của quyền lực giáo hoàng, Giáo hội Công giáo nhấn mạnh rằng thẩm quyền của giáo hoàng trước đó không thể được chuyển giao, do đó mở đường cho việc bầu cử và tấn phong một nhà lãnh đạo mới.
Giáo hoàng Francis – vị giáo hoàng gần gũi và giản dị

Nhẫn Ngư phủ được đeo trên ngón tay của Giáo hoàng Francis trong thánh lễ nhậm chức của ông tại Vatican vào ngày 19-3-2013. Ảnh: LAPRESSE
Dù chiếc nhẫn Ngư phủ mang tính biểu tượng và nghi lễ cao nhưng vai trò của nó thay đổi tùy từng giáo hoàng.
Trong suốt 12 năm giữ vai trò lãnh đạo Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Francis thường đeo chiếc nhẫn này trong các nghi lễ quan trọng, theo đài CNN. Theo truyền thống, nhẫn Ngư phủ được chế tác từ vàng, nhưng chiếc nhẫn được trao cho Giáo hoàng Francis được làm bằng bạc mạ vàng.
“Việc phá hủy tương đương với việc xóa thông tin đăng nhập khỏi tài khoản mạng xã hội. Đó là mục đích của việc ngăn chặn những kẻ giả mạo sử dụng con dấu giả trên các tài liệu” - phóng viên của CNN tại Vatican, ông Christopher Lamb, cho biết.
Giáo hoàng Francis chỉ đeo nhẫn này trong các nghi thức chính thức, còn hằng ngày ông dùng một chiếc nhẫn bạc đơn giản từ thời còn là hồng y.
Giáo hoàng Francis cũng từng gây chú ý khi rút tay tránh để người khác hôn nhẫn, được Vatican lý giải là để tránh lây lan bệnh tật. Giáo hoàng Francis được cho là người gần gũi, thích bắt tay, ôm an ủi thay vì yêu cầu người khác quỳ gối hôn nhẫn.