Chiếc cầu thang nhà sàn trong văn hóa mẫu hệ của người Ê Đê
Kiến trúc nhà sàn của người Ê Đê có những nét đặc sắc. Trong đó có chiếc cầu thang làm bằng gỗ quý, được điêu khắc đôi bầu vú người phụ nữ thể hiện trong văn hóa mẫu hệ.
Nhà sàn của đồng bào dân tộc Ê Đê vững chắc bởi có đến 12 cột cái và 12 cây kèo làm bằng gỗ tốt như hương, căm xe, cà te. Mùa đông ở ấm áp, mùa hè thì mát mẻ bởi lợp bằng tranh rất dày, cứ một đàng mè, thì một đàng tranh, chắc chắn bền lâu, nên 8-10 năm họ mới lợp lại. Trong nhà sàn có ba cái bếp. Trong đó, gian nhà sau cùng họ đặt bếp chủ để các thế hệ trong gia đình sinh hoạt; bếp ở gian giữa để tiếp khách quý và những bậc cao niên; gian ngoài còn có một cái bếp đặt bên cửa sổ phía Đông dành riêng cho con cháu sinh hoạt với bạn bè. Trong nhà có một tấm ván gỗ tốt dài từ 8-10m, bề ngang khoảng 0,6m đặt dọc theo nhà sàn, người Ê Đê gọi là kpan. Tấm ván ấy dùng để ngồi uống rượu, đánh cồng chiêng khi nhà có việc lễ trọng như mừng tuổi con cháu trưởng thành, lễ cưới xin, lễ thổi tai cho con mới chào đời, mừng sức khỏe ông bà, cha mẹ…
Mọi thứ đều đầy đủ. Nhưng thiếu đi chiếc cầu thang (pu nhan) dùng để đi lên nhà sàn, là coi như mất đi nét đẹp cấu trúc và văn hóa của ngôi nhà sàn truyền thống đối với đồng bào Ê Đê. Chiếc cầu thang phải làm bằng loại gỗ chịu mưa nắng, mối mọt như chò, sao, kiền kiền. Ông Ma Ping ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) cho biết: Theo tập tục của người Ê Đê, trước khi hạ cây gỗ làm cầu thang, chủ nhà tế lễ thần linh núi rừng một con gà cồ và một ché rượu, rồi mời già làng bổ ba nhát rìu làm phép. Sau đó, các thợ rừng mới hạ cây gỗ.
Cao thấp thì tùy theo nhà để làm cầu thang, trung bình thì 5 bậc, cao hơn thì 7-9 bậc, bề ngang cầu thang khoảng 0,4m, thời gian làm chiếc cầu thang từ 7-10 ngày. Khi hoàn thành, họ cúng 1 con heo, 3-5 ché rượu. Chủ nhà, thợ rừng, thợ mộc và bà con lân cận quây quanh dưới chân nhà sàn, nhâm nhi rượu ché thưởng thức thịt heo nướng mừng chiếc cầu thang đã làm xong.
Theo chị Rơ Ô Nhoen, Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ. Khi chiếc cầu thang được làm hoàn chỉnh đặt trước nhà sàn, chủ nhà mời một phụ nữ cao tuổi trong gia đình chỉn chu trong bộ trang phục thổ cẩm, bước lên cầu thang đi vào nhà. Mọi người tham dự xem người phụ nữ đó bước lên từng bậc thang, ai cũng mừng vui kỳ vọng ngôi nhà mới này sẽ giúp việc làm ăn thuận lợi, các thành viên trong gia đình có cuộc sống an yên.
Đồng bào dân tộc Ê Đê theo phong tục mẫu hệ, nên chiếc cầu thang lên nhà sàn ở phần trên cùng có chạm khắc họa tiết đôi vú của người phụ nữ. Ngồi tâm sự với già làng Oi Thảo ở buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), ông cho biết: Người Ê Đê chạm đôi bầu vú trên chiếc cầu thang để ai đi đâu về khi bước lên chiếc cầu thang cũng nhìn thấy mà nhớ về người mẹ thân yêu của mình, người đã tạo ra xương thịt và chăm chút nuôi dưỡng mình được mạnh đôi vai, vững đôi chân để băng rừng lội suối, phóng lao diệt trừ ác thú bảo vệ buôn làng. Và ai cũng phải biết quý trọng người phụ nữ, bởi họ chịu thương, chịu khó trong vai trò người vợ, người mẹ.
“Buôn làng ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh hiện còn khá nhiều nhà sàn vẫn giữ nguyên truyền thống chiếc cầu thang có khắc chạm hình đôi vú người phụ nữ. Nó mang một ý nghĩa hết sức nhân văn trong văn hóa mẫu hệ của người Ê Đê”, nhà văn Y Điêng ở huyện Sông Hinh cho biết như vậy.