Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nền báo chí Lâm Đồng phát triển toàn diện và bền vững
Ngày 23/5, tại thành phố Đà Lạt, Hội Nhà báo tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo 'Xây dựng nền báo chí Lâm Đồng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại', hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Quang cảnh hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đại biểu là lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo sở, ngành tỉnh Lâm Đồng; trường đại học đóng tại Đà Lạt; đại diện Hội Nhà báo một số địa phương trong nước và các nhà báo, phóng viên cơ quan báo chí, văn phòng đại diện báo chí tại địa phương.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà báo nhìn thẳng sự thật, đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những định hướng và giải pháp cụ thể nhằm xây dựng nền báo chí Lâm Đồng phát triển toàn diện và bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Đinh Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Đinh Văn Tuấn khẳng định, thời gian qua, các cơ quan báo chí làm tốt vai trò định hướng, điều hòa dư luận và giám sát xã hội, tuyên truyền đầy đủ, toàn diện, đa chiều, nhanh chóng, kịp thời, chính xác về những chủ trương, chính sách của tỉnh; tích cực lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những mô hình mới, cách làm hay, tấm gương điển hình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về “kỷ nguyên mới”, về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, về những nỗ lực, quyết tâm xử lý các “điểm nghẽn” đang cản trở sự phát triển của đất nước, của địa phương.

Các đồng chí chủ trì hội thảo.
Đồng chí Đinh Văn Tuấn kỳ vọng, hội thảo sẽ mở ra những gợi ý thiết thực, những ý tưởng mới trong việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý và sản xuất tin bài, những phương pháp đào tạo đội ngũ làm báo hiện đại - vừa giỏi nghề, giỏi công nghệ, vừa nhân văn và trách nhiệm.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Đây cũng là cơ sở để tỉnh Lâm Đồng tham khảo, xây dựng và ban hành các chủ trương phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đồng hành với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.

Nhà báo Uông Thái Biểu trình bày tham luận tại hội thảo.
Hội thảo có 12 tham luận tập trung vào các nhóm chủ đề, như tổng quan và vai trò của báo chí; giá trị nhân văn, đạo đức và sứ mệnh xã hội của báo chí; chuyển đổi số và đào tạo người làm báo; quan hệ giữa báo chí với chính quyền và người dân…

Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo.
Trong đó, bắt nhịp xu hướng báo chí hiện đại, các diễn giả tập trung phân tích, làm rõ thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp phát triển báo chí trong thời đại số, nhất là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số báo chí. Đây cũng là thách thức để các cơ quan báo chí liên tục tư duy, đổi mới, sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm báo chí mới, hấp dẫn để thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
Trình bày tham luận “Báo chí thời công nghệ số”, nhà báo Mai Văn Bảo, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Lâm Đồng cho rằng, công nghệ số mở ra nhiều cơ hội với nghề báo, nhưng cũng đặt ra cho ngành báo chí không ít thách thức trong việc cạnh tranh thị phần với mạng xã hội, hay vấn nạn đánh cắp bản quyền nội dung; bảo mật thông tin, quyền riêng tư; xác thực thông tin… đòi hỏi các cơ quan báo chí và người làm báo phải thích nghi và tự đổi mới để bắt kịp xu thế của kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo.

Nhà báo Mai Văn Bảo trình bày tham luận tại hội thảo.
"Cùng với đầu tư, ứng dụng công nghệ vào làm báo, thì việc sáng tạo nội dung với lao động chiều sâu, trí tuệ của người viết luôn cần được đặt ngang hàng với nhau. Nhà báo - người đưa tin “có nghề” sẽ tạo được cảm xúc cho độc giả với sự kiện thực tế”, nhà báo Mai Văn Bảo chia sẻ.
Trưởng Phòng Quản lý báo chí, xuất bản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Đạo Hoàng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp điều kiện thực tế của từng cơ quan báo chí địa phương.
Tỉnh khuyến khích các cơ quan báo chí ứng dụng AI, dữ liệu lớn (Big Data), phân tích hành vi người dùng… trong sản xuất và phân phối nội dung báo chí; khuyến khích truyền thông trên nhiều nền tảng để mở rộng độ bao phủ, tiếp cận đa dạng đối tượng độc giả.

Những ấn phẩm Báo Nhân Dân trong tiết mục văn nghệ chủ đề về nghề báo tại hội thảo.
Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương, 2 đặc san. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 cơ quan thông tấn, báo chí, tạp chí đặt văn phòng đại diện, văn phòng thường trú, với 36 phóng viên; 79 phóng viên của 41 cơ quan báo chí, tạp chí theo dõi, đưa thông tin thường xuyên về tỉnh.