'Chìa khóa' mở nút thắt cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

Ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định được xem là 'chìa khóa' mở nút thắt trước tình trạng một bộ phận cán bộ đang 'đóng băng' dưới các dạng thức: không nghe, không nói, không làm hoặc nghe nhưng không làm để an toàn, nhàn thân.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cùng với việc ban hành nghị định, cần có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện như thế nào. Nhất là đòi hỏi phải có sự thay đổi về nhận thức và thực hiện nghiêm yêu cầu đề ra.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, một số ĐBQH đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc nghị định của Chính phủ và các chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Hiện nay, tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép; chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại, vướng mắc, ách tắc của người dân, doanh nghiệp... đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công, cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề còn thiếu hiện nay là văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 73/2023/NĐ-CP một cách cụ thể, rõ ràng, để cán bộ, công chức yên tâm thực thi công vụ. Các đại biểu cũng cho rằng bên cạnh việc có cơ chế, chính sách phù hợp để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm; đồng thời phải kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh; có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, bên cạnh việc kiên quyết, mạnh tay xử lý cán bộ cố tình vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực, thì cũng cần có “chính sách khoan hồng” tạo điều kiện để những cán bộ do những bất cập về cơ chế, chính sách hay do nôn nóng “vượt rào” trong phát triển kinh tế - xã hội mà có những vi phạm, song tự giác khai báo, khắc phục hậu quả, có cơ hội “chuộc lại lỗi lầm”. Nếu có những quy định rõ ràng liên quan đến nội dung này sẽ góp phần khắc phục tình trạng “làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm”.

Nghị định số 73/2023/NĐ-CP đã mở ra “cơ chế đặc biệt” khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và những ý kiến của đại biểu dân cử tại kỳ họp này hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn việc đưa quy định vào cuộc sống, để cán bộ mạnh dạn hơn, hóa giải nỗi sợ trách nhiệm, chủ động đón nhận trách nhiệm, phát huy năng lực bản thân phục vụ sự phát triển của đất nước.

Thái Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chia-khoa-mo-nut-that-nbsp-cho-can-bo-dam-nghi-dam-lam-215486.htm
Zalo